Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

10 thực hành hay cho những ai muốn trẻ lớn lên chuẩn ’men’ và ‘chuẩn ‘lady’

Thời buổi hiện tại, không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác, thời gian cho gia đình càng ngày càng co lại. Ba mẹ cảm thấy có lỗi khi quỹ thời gian cho con ít dần. Ai cũng yêu con nên hi sinh thời gian của bản thân để dành hết cho con. Vậy sao, bạn không dùng thời gian quý báu này đúng cách, để mang lại hiệu quả cao… Hơn hết, nếu bạn biết tham gia con vào các công việc hàng ngày, con bạn được gần gũi với bạn nhiều hơn, và trên hết, bạn có nhiều cơ hội để dạy con biết tự lập và có trách nhiệm.
Xin phép chia sẻ với các bậc phụ huynh 10 thực hành dưới đây:

1.      Tạo điều kiện cho con được chọn lựa trong khuôn khổ cho phép. 
Ví dụ như cho con có tiếng nói trong việc chọn áo quần mặc mỗi ngày, ngay cả con phối màu hay phối áo và quần chẳng ra ‘style’ nào cả.  Hãy tưởng tưởng từ sáng đến chiều, có ai đó lập trình 1 ngày của bạn, từ việc nhỏ như mặc gì, ăn gì đến việc lớn như đi đâu, chơi với ai…  Bạn sẽ phát sốt lên ngay và đảm bảo sống sót không quá 3 ngày đâu. Con có thể mắc lỗi, chọn sai, phối hợp chưa đúng… nhưng đã có bố mẹ bên cạnh sẵn sàng hỗ trợ khi cần!


2.      Con tham gia vào việc chuẩn bị cho các hoạt động trong ngày, khi có thể và với những việc phù hợp. 
Ví dụ như con phụ Bà quét lá khô ngoài sân, phân phát muỗng đũa trong bữa ăn tối, cho kem đánh răng lên bàn chải mỗi buổi sáng cho cả nhà… Hãy giao cho con công việc và dạy cho con có trách nhiệm.

3.      Tham gia hỏi ý kiến của con, đặc biệt là những quyết định có liên quan đến con. 
Ví dụ như ‘Mẹ đang định dời cái bàn này qua bên góc này, các con thấy sao?  Nếu làm vậy thì có ảnh hưởng đến ai trong nhà mình không nhỉ?’ Không những con thấy mình được tôn trọng, mà bố mẹ còn gửi thông điệp ‘Người lớn đang lắng nghe suy nghĩ và ý kiến của các con đây.’ Các con luôn làm cho bố mẹ ngạc nhiên với những ý tưởng rất ư là sáng tạo… mà đôi khi có cố lắm, người lớn cũng khó nghĩ ra!

4.      Tôn trọng các quyết định của con khi có thể
Ví dụ như khi con muốn ăn canh trước rồi mới ăn cơm! Mẹ và bà sẽ tự hỏi ‘Có gì không an toàn khi để con làm thế không?’, ‘Có nhất thiết phải ăn cơm trước không?’, ‘Có khoa học nào chỉ ra như vậy không tốt cho sức khoẻ không?’ ‘Con sẽ được gì khi con thử nghiệm đảo lộn thứ tự các món ăn?’… 

5.      Giúp con hiểu rõ sự ảnh hưởng của các chọn lựa
Ví dụ như nếu con chọn không ngủ trưa, mà chỉ nằm nhắm mắt nghỉ ngơi thì đến chiều con sẽ thấy mệt, bớt hứng thú với các hoạt động, hoặc tối ngủ gục trước khi nghe hết câu chuyện bố đọc. Có thể lúc đầu con cảm thấy ‘khoái chí’ khi các bạn ngủ, chỉ có mình mình thức… nhưng dần dần con sẽ biết cân nhắc để có chọn lựa thông minh, phù hợp với mình. Với ví dụ này, sẽ không lâu đâu trước khi cảm giác ‘khoái chí ‘ biến mất, nhường lại cho cảm giác tiếc nuối những giây phút được bố ôm vào lòng say sưa trong thế giới tưởng tượng của truyện.

6.      Dạy con tư duy giải quyết vấn đề
Ví dụ như sáng sớm mới ngủ dậy, con hốt hoảng báo con quên làm bài tập cho 1 môn học mất rồi. Những lúc như thế này, vì thời gian cấp bách, người lớn mình thường nhảy vào giải quyết vấn đề hộ con. Nghiêm trọng nhất là ‘Thôi con đi đánh răng thay đồ, mẹ tranh thủ làm cho rồi cầm đi nộp. Lần này thôi đấy nhé. Đầu óc để đâu mà không nhớ gì hết hả con?!’. Hoặc là “Thôi đánh răng rồi làm bài. Hôm nay ngồi đằng sau ăn sáng bằng bánh mì vậy. Chắc là sẽ kịp.’  Cả 2 cách giải quyết đều không ổn. 100 cách giải quyết khác cũng đều không ổn nếu thiếu đi yếu tố quan trọng:  tự con phải tư duy và gợi ý cách giải quyết vấn đề. Người lớn đóng vai trò hỗ trợ nếu cần thiết nhưng con phải là ‘vai chính’! Chỉ có con mới biết bài tập dài hay ngắn, khó hay dễ… hậu quả nếu sáng nay không có bài nộp thì sẽ như thế nào, v.v.. Suy nghĩ  và giải quyết vấn đề giúp con đồng nghĩa với việc bạn quyết định sống đến 130 tuổi để nuôi con cả đời!

7.      Cho con khoảng trống để ‘thử sức’ nhưng là chỗ tựa khi con cần
    Ví dụ như tối con chuẩn bị ba lô cho mai đi học. Lần này phải đem nhiều sách vở và dụng cụ học nhiều hơn. Rồi còn 1 cuốn truyện thích nhất Cô giáo nhắc đem lên chia sẻ với lớp nữa. Con loay hoay xếp vào lấy ra, sao cho ba lô có thể kéo lại được. Có người sẽ làm hộ cho con hay càm ràm ‘Có nhiêu đó mà nãy giờ chưa xong. Khuya lắm rồi còn không chịu đi ngủ’.  Hãy để con thử sức và có mặt khi con cần ‘Ba thấy con đang cố gắng sắp xếp sao cho vừa hết vào trong ba lô (cái này là công nhận cố gắng của con). Nếu Heo cần ba giúp gì thì lên tiếng nhé!? (cái này nhắc cho con nhớ là luôn có ba mẹ đồng hành với con, dù là việc nhỏ và quan trọng hơn nữa là con là người quyết định mình cần giúp hay không, làm chủ bản thân chứ không phải ba mẹ đánh giá theo con mắt của người lớn và quyết định hộ con)”.

8.      Khuyến khích, khen ngợi những nỗ lực của con, không nhất thiết tất cả cố gắng đều phải có kết quả
Ví dụ như con học buộc dây giày.  Kĩ năng buộc dây giày là một kĩ năng khó với trẻ. Có bạn phối hợp 2 tay với nhau tốt thì sẽ làm rất nhuần nhuyễn và nhanh. Có bạn mãi đến 7-8 tuổi vẫn còn đang chật vật tập luyện. Không sao cả vì mỗi bạn phát triển ở mỗi tốc độ khác nhau. Sẽ xuất sắc trong lĩnh vực này, nhanh nhẹn trong lĩnh vực kia và cần thêm thời gian ở lĩnh vực nọ. Con cố gắng nhưng vẫn cần bạn trợ giúp cột giày. Tuỳ tình hình, bạn có thể nói ‘Mẹ thấy con chéo hai dây qua với nhau như vậy là đúng rồi đó’; ‘Con gấp 2 sợi dây lại thành 2 cái vòng để cột vào nhau như thế là chuẩn đấy con ạ’; ‘Mẹ thấy con đang rút kinh nghiệm để tạo cái vòng không to lắm, khi kéo không bị tuột vòng ra’ v.v..  Ở đây, con chưa cột được dây giày nhưng ta vẫn khen các nỗ lực của con, điều này truyền cho con động lực kiên trì hơn nữa, đạt được kĩ năng đang muốn học. 

9.      Đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và dạy con có thói quen dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong
Ví dụ như khi bạn mua cho con món đồ chơi mà không cần suy nghĩ nhiều con cũng chơi được ngay, hoặc cách chơi quá khó … cả hai trạng thái đều làm cho trẻ mau chán. Bạn tiếc tiền khi mua món đồ chơi này cho con, càm ràm… và thế là vừa mất tiền mà con lại không vui!  Vậy nên bạn cần chọn đồ chơi phù hợp với tuổi của con. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài thời gian tương tác với người lớn và với trẻ con khác, trẻ cần cơ hội được chơi một mình. Đồ chơi phù hợp với lứa tuổi giúp trẻ tập trung và chơi một mình lâu hơn, không chốc chốc lại chạy đến nhờ mở cái này hay vặn cái kia.

10. Hướng dẫn con lập ra các mục tiêu và các bước cần làm để đạt được mục tiêu đó
Ví dụ như con nằm trong dàn đồng ca của trường và sắp đến sẽ có một buổi biểu diễn nhân dịp gì đấy. Con lo lắng và có thể mất ăn mất ngủ vì sự kiện lớn này. Bạn có thể ngồi xuống nói chuyện với con, bằng những câu hỏi dẫn dắt, bạn giúp con tìm ra đâu là vấn đề. Có phải thiếu thời gian để tập? Có phải lời bài hát chưa thuộc? Có phải thanh nhạc chưa tốt nên sai nhịp? v.v.. Khi con thấy được vấn đề, bạn hướng con đến việc lập ra kế hoạch đưa ra các bước để con đạt được mục tiêu. Có thể là tập chung với một ai đó hay lên mạng tìm lời của bài hát…

Có lẽ để làm được 10 thực hành trên trong thời buổi ‘cập rập’, bận rộn như hiện nay không dễ chút nào nhỉ? Nhưng nếu ‘đầu tư’ một chút, bạn tạo cơ hội và ‘môi trường thuận lợi’ cho con, bạn nghĩ con bạn sẽ bộc lộ những gì? Có thể con bạn sẽ phản ứng và có những thay đổi mà chính bạn cũng không thể tượng tượng được thì sao!

Vậy hãy bắt đầu từ hôm nay vì các chuẩn ‘men’ và chuẩn ‘lady’ của tương lai nào!


                                                         Nguyễn Trần Nghi Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét