Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Kỉ luật và học tập – làm thế nào để chúng ta, những bậc phụ huynh, có thể khuyến khích “con ngoan” và có thái độ tích cực đối với việc học ở trẻ

Kì vọng
Trước tiên, bạn cần đảm bảo rằng kì vọng của bạn đối với hành vi của con phải thực sự thực tế và phù hợp với lứa tuổi. Với trẻ nhỏ, điều này vô cùng quan trọng bởi thời gian tập trung của trẻ khá ngắn và khả năng ghi nhớ và nhớ thông tin của trẻ hạn chế. Như lẽ tư nhiên, trẻ nhỏ thường không xử sự một cách lí trí, đồng thời cũng thiếu sự đồng cảm cần thiết. Trẻ không có khả năng hiểu được những ảnh hưởng từ hành vi của mình đối với người khác. Thế nên, các giải thích về những điều bạn cho rằng thích hợp và tại sao bạn nghĩ con nên hoặc không nên làm gì , sẽ trở nên ‘dài dòng’, khó hiểu và không hiệu quả tí tẹo nào cả.

Thiết lập nguyên tắc                            
Trẻ nhỏ và các nguyên tắc của người lớn thiết lập thường không đi đôi bởi trẻ sẽ không thể nhớ hết một loạt các nguyên tắc và càng thách thức hơn khi phải áp dụng các nguyên tắc đó cho từng tình huống phù hợp. Tuy nhiên, trẻ sẽ nhớ các nguyên tắc đơn giản nếu chúng được diễn đạt như những câu lệnh hướng dẫn. Trẻ cũng sẽ phản ứng tốt hơn khi người lớn giải thích lí do cho việc tại sao trẻ nên hoặc không nên làm gì, sử dụng ngôn ngữ đơn giản. Vậy nên, hãy cố gắng lưu ý  yếu tố ‘đơn giản’ này khi tương tác với con nhỏ nhé! Ví dụ như cái lò rất nóng, nó có thể làm đau con đấy; nếu chúng ta đập mạnh vào kính, nó sẽ vỡ; có những thứ rất đặc biệt, vì thế, chúng ta không chạm vào, v.v..

Hậu quả
Trẻ bắt đầu hiểu được hậu quả đơn giản của các hành động nhưng trẻ sẽ không nhớ chúng hoặc hành động theo đúng như thế, nếu không có nhiều hỗ trợ và nhắc nhở. Đưa ra các “Hậu quả tích cực”, ví dụ như:  nếu con chia sẻ, mọi người sẽ thích chơi cùng con, hoặc mẹ rất hài lòng khi con lắng nghe chăm chú, v.v.. là cách rất hữu ích khi khích lệ hành vi mà bạn muốn thấy. Tuy nhiên, kì vọng việc những trẻ còn rất nhỏ cân nhắc cảm giác của người khác thường không thành công bởi cho đến khi lớn lên tầm 5 tuổi, phần lớn, khả năng đồng cảm ở trẻ còn hơi hạn chế. Bạn nên tránh quản lí hành vi bằng cách đưa ra  “hậu quả tiêu cực”.  Dùng “hậu quả tiêu cực” để “nhát” hay hù doạ sẽ nhanh chóng đưa bạn vào ngõ cụt, và về lâu về dài, sẽ không đem lại hiệu quả bền vững trong việc quản lí hành vi của con trẻ.  Tránh đưa ra các “dọa dẫm” bạn không thể làm theo hoặc không sẵn lòng làm theo bởi trẻ sẽ sớm nhận ra thông điệp – “những gì bạn nói không thực sự có nhiều trọng lực.  Mẹ/bố hù thế thôi chứ sẽ không phạt như thế đâu”! Nếu bạn thực sự cần phải sử dụng hậu quả tiêu cực, hãy dùng nó thật ngắn gọn và đơn giản. Ví dụ như: Một phút ngồi ở một nơi nào đó hoặc tịch thu đồ chơi một lúc.
Xin lưu ý, với trẻ rất nhỏ (30 tháng trở xuống), sau khi sử dụng biện pháp ‘hậu quả tiêu cực’, hãy nhanh chóng tiếp tục công việc / trò chơi / hoạt động bị giáng đoạn vui vẻ bình thường vì….ở lứa tuổi này, chỉ sau mấy phút con bạn có thể đã quên sạch việc “tày trời” gì mình đã gây ra!  Trẻ em cũng như người lớn, “nhai” lạ lỗi lầm của ai đó sẽ không mang lại lợi ích gì.

Lựa chọn
Một mẹo giúp con hành động theo cách mà bạn muốn:  cho con chọn lựa.  Trẻ nhỏ thường xuyên ‘kiểm tra ranh giới’ để xem chúng được quyền làm gì và làm gì sẽ bị ngăn cản.  Nói nộm na là “xem ta có quyền lực” gì với mọi người xung quanh.  Ví dụ, nếu bạn muốn con mặc đồ và con thì không sẵn lòng, hãy thử hỏi con thích mặc áo phông đỏ hay áo phông xanh? Hôm nay mặc quần ngắn hay quần dài nhỉ? Con muốn chia sẻ với bạn chiếc xe tải hay xe hơi? Hôm nay chúng ta sẽ ăn đậu hay cà rốt? Trẻ nhỏ thích cảm thấy rằng chúng đang làm chủ các quyết định của mình thay vì “làm theo” ý của nguời lớn.  Bằng cách đưa ra cho chúng các lựa chọn như những ví dụ trên,  trẻ nhỏ cảm thấy chúng được tự chủ, đồng thời bạn vẫn đạt được điều mà bạn muốn!

Khen ngợi tích cực và cách nói tích cực
Bằng cách sử dụng khen ngợi tích cực và cách nói tích cực, bạn có thể hướng con đến hành vi mà bạn muốn con thể hiện. “Khen ngợi tích cực”nghĩa là tìm ra điều tốt trong hành vi trẻ đang làm và giải thích với trẻ tại sao bạn thích hành vi đó, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu.
Ví dụ,
Mẹ thực sự rất vui khi con ngoan ngoãn ngồi trong xe đẩy siêu thị, để mẹ có thể mua đồ dễ dàng.
Thật tuyệt vì con nắm tay mẹ khi chúng ta đi bộ, như thế mẹ biết mẹ có thể giữ con an toàn.
Nếu bạn có hơn một đứa con, bạn có thể sử dụng cách khen ngợi tích cực để khuyến khích hành vi tốt giữa các con. Khi một trẻ làm điều gì tốt trong lúc trẻ khác đang cư xử không đúng đắn, hãy lờ đi hành vi ‘xấu’ và khen ngợi đứa trẻ đang làm tốt. Lời khen cần có ý nghĩa không chung chung và trung thực/có thực để có thể khích lệ đứa trẻ không ngoan suy nghĩ lại về hành động đó của mình. Thực sự trẻ con muốn làm hài lòng người lớn và muốn được yêu quý, trẻ sẽ chủ động tìm kiếm khen ngợi tích cực nếu chúng nghe thấy điều đó được đưa ra một cách chân thật. Vì thế, nếu một trẻ ăn ngoan, ngồi ngay ngắn, lắng nghe chỉ dẫn, v.v.. hãy chỉ ra điều đó và khen ngợi, đảm bảo là giải thích đơn giản điều làm bạn hài lòng về hành vi đó. Đứa trẻ mà đang cư xử không tốt sẽ muốn nhận được những lời khen như thế và sẽ thường bắt chước, làm theo hành vi tốt.  Khen tích cực là cách chúng ta hướng trẻ lập lại hành vi chúng ta mong muốn.  Thế nên, hãy tránh đưa ra các lời khen chung chung.  Lời khen không cụ thể sẽ không giúp trẻ nhận ra hành vi được khuyến khích lập lại là hành vi nào.  

Lựa chọn cuộc chiến của bạn
Không phải hành vi khộng mong muốn nào cũng cần phải ‘xử’! Hãy sử dụng ‘linh cảm’ của chính bạn để quyết định bạn có cần chỉ ra hoặc sửa từng lỗi nhỏ mà con mắc phải không hay đôi lần bạn có thể vui vẻ bỏ qua những điều gì đó (rõ ràng là không thể bỏ qua nếu hành vi của trẻ trở nên nguy hiểm với chính trẻ hoặc người khác). Đôi khi, sẽ tốt hơn nếu bạn làm sao nhãng (đánh lạc hướng) trẻ để tránh việc hành vi của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Đặt con vào một tình huống hay môi trường khác;  đưa cho con đồ chơi; đề nghị một hoạt động mới; nói chuyện với con về điều gì đó hoàn toàn không liên quan đến hoàn cảnh mà bạn có thể thấy có ‘nguy cơ’ xảy ra… là vài gợi ý bạn có thể áp dụng để tách con ra khỏi hành vi đang tiến triển theo chiều xấu.  Bạn càng nên dùng phương pháp ‘đánh lạc hướng’ này nếu bạn nhận ra rằng con không hề ‘nghịch ngợm’ hay cố ý làm điều ‘xấu’ mà con chỉ là đang khám phá thế giới xung quanh mà thôi.
Cuối cùng khi uốn nắn hành vi của trẻ nhỏ, hãy nhất quán và công bằng cũng như khích lệ tất cả những ai liên quan đến sự dạy dỗ trẻ làm tương tự. Có thể sẽ rất rối rắm cho các con nếu như mẹ, bố, ông bà… có các ý tưởng khác biệt về những hành vi được chấp nhận. Nên để ý rằng ở trung tâm trông trẻ hay trường học, các nội quy và ranh giới thường sẽ chặt chẽ hơn ở nhà.   Xây dựng nội quy chặt chẽ ở nhà và có sự nhất quán cao giữa những người lớn sẽ là một chuẩn bị tốt giúp cho trẻ có thể quen nhanh với môi trường trường học sau này.  Trẻ luôn phản ứng tốt với các thói quen và sự nhất quán, do đó, khi trẻ còn nhỏ, hãy hạn chế thay đổi và các xáo trộn không cần thiết.  Ví dụ bạn cần phải ra ngoài làm việc gì đó và phải mang trẻ theo, cố gắng ra ngoài khi trẻ không mệt hay đói.  Tương tự, nếu bạn biết một hoàn cảnh chắc chắn sẽ dẫn đến một hành vi không mong đợi, cố gắng hết sức để tránh nó. Giai đoạn khi con bạn còn nhỏ và chưa “hiểu chuyện” này đương nhiên sẽ không kéo dài mãi mãi, vậy nên hãy cố gắng làm nó đơn giản nhất có thể cho chính bạn và cho con.

Cô Alice Fraser – Thành viên của Nhóm Cùng Nhau Chia Sẻ