Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

HỌC NGOẠI NGỮ SỚM CÓ NÊN?

                      Nguyễn Trần Nghi Tuệ

Càng lúc càng có nhiều bạn trẻ du học ở nước ngoài hoặc muốn ‘xách ba lô lên và đi’ khám phá thế giới rộng lớn xung quanh.  Trường học, thầy cô giáo, và ngay cả bố mẹ luôn nhắc trẻ nhỏ, thanh niên, sinh viên và các bạn trẻ tầm quan trọng của việc mở rộng trái tim cảm nhận các văn hoá, tập tục và góc nhìn khác nhau.  Và một trong những cánh cửa dẫn đến con đường học hỏi và tiếp nhận các nền văn hóa chính là ngoại ngữ.

Phần lớn chúng ta tiếp xúc với ngoại ngữ vào những năm cuối tiểu học hoặc ở nhiều nơi là trung học. Thậm chí có những người mãi lên cao đẳng, đại học mới thực sự bắt đầu. Chúng ta nhớ lõm bõm vài từ, dăm ba câu quen thuộc làm vốn.  Ngoại ngữ đấy có bao giờ ‘cắm rễ’ vào bạn không? Hay sau chuyến đi Nhật ngắn ngủi, chuyến đi Singapore chóng vánh, chuyến đi Pháp như chạy… não của bạn cũng nhanh chóng bỏ rơi những ngoại ngữ vừa kịp làm quen nhưng không đủ để ‘ngấm’ này?

Theo các nghiên cứu mới nhất, tiếp xúc sớm với ngoại ngữ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ.  Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng 3 tuổi là độ tuổi trẻ bắt đầu ‘hưởng lợi’ từ việc tiếp xúc với những ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ. Lúc này, não của trẻ có thể tiếp nhận ngoại ngữ với tốc độ được ví như nước thấm vào miếng mút, cực nhanh và cực dễ dàng. Hơn hết, học ngoại ngữ sớm giúp trẻ phát âm chuẩn hơn là học ngoại ngữ muộn. Ngữ pháp và cách hành văn cũng sẽ đến một cách tự nhiên hơn.

Có rất nhiều lợi ích mang lại từ việc học ngoại ngữ sớm, ở đây tôi sẽ đưa ra 5 lợi ích mà tôi cho là ‘đỉnh’ nhất (xin lưu ý, ở đây tôi lấy mặt bằng chung chứ không bàn riêng về một đứa trẻ nào):

1.       Kết bạn với ‘ngôn ngữ’ dễ dàng
Khi trẻ tiếp cận với ngoại ngữ sớm, trẻ sẽ học ngoại ngữ nhanh hơn, chính xác hơn so với việc tiếp cận ngoại ngữ khi đã lớn hơn.  Các nghiên cứu về não đã cho thấy ở tầm 3 tuổi, não sẵn sàng cho việc học ngoại ngữ.  Sự trôi chảy, lưu loát sẽ được đạt khá dễ dàng, nhanh chóng, và thường đi kèm với phát âm chuẩn.

Trẻ từ 8-12 thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp thu một ngoại ngữ mới.  Lí do chính là vì ở tuổi này, trẻ mất dần khả năng nghe và bắt chước các âm so với các trẻ nhỏ tuổi hơn.  Chỉ là tốc độ ‘thẩm thấu’ ngoại ngữ chậm hơn, mất nhiều thời gian hơn chứ không có nghĩa là không thể, và không có khả năng học tốt. 

2.       Lợi ích về nhận thức
Nghiên cứu chỉ ra rằng, học ngoại ngữ không những giúp cho trẻ biết thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp trẻ phát triển nhận thức tốt hơn.  Một số lợi ích về nhận thức mà học ngoại ngữ mang lại là:
·       Nhận thức ‘ấn định đồi tượng’ / object permanence – mọi vật không bị mất ngay cả nếu ta không thấy chúng.  Với trẻ còn nhỏ, các con thấy vật bị giấu đi thì nghĩ là vật đó không hiện hữu.  Ở các trẻ học ngoại ngữ sớm, các con phát triển nhận thức này sớm hơn so với các bạn chưa được tiếp cận với ngoại ngữ.
·         Kĩ năng giải quyết vấn đề tốt hơn
·         Kĩ năng suy nghĩ lo-gic tốt hơn
·         Sáng tạo hơn
·         Suy nghĩ linh động hơn
·         Khả năng ghi nhớ tốt hơn
·         Kĩ năng làm và quản lí nhiều việc cùng một lúc  siêu hơn

3.       Thành tích học tập cao hơn
Trẻ có thể sử dụng lưu loát 2 ngôn ngữ hay nhiều hơn sẽ được ‘thừa hưởng’ những cái ‘tốt hơn’ liệt kê ở mục 2. Những cái ‘tốt hơn’ này sẽ giúp trẻ có thành tích học tập cao hơn, nhất là khi so sánh kết quả của các bài thi.  Có một số người nghĩ rằng, quá trình học tiếng mẹ đẻ sẽ bị ảnh hưởng nếu trẻ được học ngoại ngữ sớm quá.  Thật ra thì chúng ta phải tin vào điều ngược lại, quá trình học ngoại ngữ sẽ bổ trợ và nâng cao khả năng học ngôn ngữ mẹ đẻ.  Có thể thời gian đầu khi trẻ học 2 ngôn ngữ cùng một lúc, trẻ tiến triễn chậm hơn nhưng nhìn đường dài, thì trẻ sẽ vững cả 2 ngôn ngữ trong thời gian ngắn hơn là học từng ngôn ngữ một.

4.       Làm giàu vốn liếng văn hoá
Những người biết thêm 1 hoăc nhiều hơn 1 ngoại ngữ sẽ có cơ hội mở nhiều cánh cửa mới hơn trong cuộc sống. Thế hệ song ngữ, đa ngữ này có khả năng tiếp cận tài nguyên, con người, nơi chốn và các thứ khác trong khi những người biết một ngôn ngữ chỉ có thể ‘chạm vào’ trong mơ. Xác suất tìm việc làm cũng sẽ cao hơn, các chọn lựa sẽ phong phú hơn khi bạn có thể nói lưu loát 1 hoặc vài ngoại ngữ nào đó.  Không những thế, kiến thức và trải nghiệm về đất nước và con người liên quan đến ngoại ngữ bạn học sẽ giúp bạn cảm nhận rõ ràng hơn, có cái nhìn tổng thể hơn về cuộc sống, con người, văn hoá và thế giới xung quanh.

 Tìm hiểu phong tục nướng gà tây qua youtube vào ngày lễ Tạ Ơn, và thử nghiệm khắc bí ngô cho ngày lễ Halloween.

5.       Đóng góp cho xã hội nhiều hơn
Bạn đã bao giờ có ý nghĩ muốn con bạn góp phần thay đổi, làm thế giới này tốt đẹp hơn chưa?  Hẳn là có không ít ông bố bà mẹ đôi lần liên tưởng đến hoài vọng này cho con mình. Chúng ta nuôi những giấc mơ và hoài bão lớn cho những đứa con thân yêu của chúng ta – không phải chỉ mơ con mình thành đạt, hạnh phúc mà chúng ta còn hi vọng con cái của chúng ta có thể cống hiến cho xã hội và thế giới rộng lớn ngoài kia.  Trong bài viết của Kathleen M. Marcos, cô có đưa ra ví dụ là các nhà kinh doanh thành công hơn trong các thương vụ của mình nếu lưu loát ngôn ngữ và biết rõ văn hoá bản địa.  Còn nữa, giáo viên, nhân viên y tế, v.v.. có khả năng gần gũi tốt hơn với đối tượng họ phục vụ và từ đó đưa ra các hỗ trợ đúng thời điểm và hiệu quả hơn.

Vậy bạn còn chần chờ gì nữa mà không tạo cơ hội cho con mình tiếp xúc với ngoại ngữ sớm?  Nếu con đã qua ngưỡng vàng 3-8 tuổi thì cũng đừng quá lo lắng và nuối tiếc.  Hãy đặt niềm tin ở trẻ và tin rẳng con trẻ đã, đang và sẽ cố gắng hết khả năng của mình.  Là phụ huynh, còn gì tuyệt vời hơn khi biết con mình thực sự nỗ lực học… vậy là đủ làm cho cha làm mẹ hãnh diện rồi.  Đấy là chúng ta công nhận quá trình cố gắng của con chứ không chỉ chăm bẳm vào kết quả cuối cùng bởi chính chúng ta cũng đâu thích người ta so sánh bản thân với người khác, phải không nào?!

                                                                                                      22.10.15



CÔNG CHÚA TÚI GIẤY



                                                                   Nguyễn Trần Nghi Tuệ

Công chúa túi giấy là truyện thiếu nhi xuất bản lần đầu vào năm 1980.  Tác giả của câu chuyện là ông Robert Munsch. Bộ truyện được xuất bản  với sự minh hoạ của Michael Martchenko.  Câu chuyện chỉ dài mươi trang và có thể tóm tắt như sau:

 Truyện kể rằng ở một vương quốc nọ có Công chúa Elizabeth và Hoàng tử Ronald.   Cả hai chuẩn bị làm đám cưới và sẽ mãi mãi sống bên nhau trọn đời.  Nhân vật thứ 3, một con quái vật rồng khổng lồ và hung tợn,  xuất hiện và bắt cóc hoàng tử Ronald.  Trước khi bay đi, con rồng hung dữ này còn phun lửa thiêu rụi mọi thứ trong lâu đài.  Bất đắc dĩ và không có sự chọn lựa nào khác, công chúa Elizabeth phải dùng 1 cái túi giấy to để làm áo (chi tiết này hơi mâu thuẫn vì áo quần cháy hết nhưng túi giấy thì …còn!!!).  Công chúa Elizabeth lần theo dấu vết và phát hiện ra hang động quái vật rồng đã nhốt hoàng tử Ronald.  Bằng sự thông minh của mình, công chúa đã khiêu khích quái vật rồng làm nhiều việc, ví dụ như bay vòng quanh trái đất trong vòng mấy mươi giây, để cuối cùng quái vật mệt nhoài không nhấc nổi tay chân mà nằm sóng xoải ngủ mê man không biết trời đất.  Công chúa Elizabeth nhẹ nhàng vào hang cứu hoàng tử Ronald. 

Nếu kết của câu chuyện là Hoàng tử vui sướng ôm chầm lấy Công chúa và 2 người sống bên nhau trọn đời thì không có gì phải bàn ở đây nữa đúng không?

Hoàng tử sau khi được cứu thay vì cảm kích tấm chân tình của công chúa, anh chàng này hoá ra là người vong ơn, phán một câu như  sau: “Khi nào em đẹp đẽ, sạch sẽ và xinh tươi như xưa thì lúc đấy quay lại tìm ta. Chứ giờ tóc rối, không có quần áo đẹp, người ngợm lấm lem thì làm sao là vợ của hoàng tử được’. 

Mọi người bất ngờ không ạ?  Nếu bạn là Công Chúa Elizabeth thì bạn sẽ làm gì nào?  Có ai trong chúng ta về nhà sửa soạn cho xinh đẹp và quay lại ngã vào vòng tay hoàng tử, thề non hẹn biển với chàng hay không?  Hay bạn sẽ mỉm cười bảo: “May mà mình biết được con người thật của Hoàng tử, không sau này lại sẽ hối hận và mang hoạ vào thân!”. 

Vậy các bạn hãy đoán xem Công chúa Elizabeth sẽ làm gì? 
Công chúa cũng làm y như bạn vậy – Cô quay lưng và ‘tung tăng nhảy chân sáo hoà mình vào ánh hoàng hôn’. 

Bạn có thắc mắc tại sao có rất nhiều truyện thiếu nhi mà cốt truyện, cách hành văn, câu chữ, hình minh hoạ hay và hấp dẫn gấp trăm lần câu chuyện này, mà tôi lại chọn truyện này để chia sẻ với các bạn? 

·         Giá trị truyền thống áp đặt lên nam nữ bị đảo ngược trong truyện này.  Có nhất thiết luôn gieo vào đầu con trẻ là phụ nữ thì yếu đuối, lúc nào câu chuyện cũng có tình tiết Hoàng tử dũng cảm tuấn tú cứu Công chúa đẹp tuyệt trần nhưng liễu yếu đào tơ?  Đã đến lúc truyên thiếu nhi nên phản ảnh thực tế xã hội thời nay tốt hơn, sát thực hơn.  Tác giả của Công chúa túi giấy đã làm tốt việc này khi vẫn bám vào chủ đề công chúa, hoàng tử mà trẻ em bao thế hệ vẫn yêu thích, nhưng ông đã lồng ghép thông điệp ‘bình đẳng giới’ một cách tài tình.  Bạn có muốn con gái bạn luôn yếu đuối cần sự che chở?  Hay bạn muốn con bạn mạnh mẽ thông minh, tự tin vào bản thân nhưng vẫn giữ được nét nữ tính đáng yêu như nhân vật Elizabeth này?

·         Truyện còn gởi đến con trẻ thông điệp ‘Vẻ đẹp bề ngoài sẽ được nhiều người chiêm ngưỡng nhưng vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự đáng quý và vững bền”.

·         Sống bên nhau trọn đời có phải là cái kết có hậu duy nhất không? Hay khi bản thân mình nhận thức được giá trị của chính mình và đưa ra những sự lựa chọn sáng suốt nhất cho cuộc đời mình…đấy mới là cái kết có hậu cho chính mình!

Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam, tôi xin tặng bài viết này cho tất cả chị em phụ nữ tôi quen và cho cả những ai tôi sắp được quen và kết bạn.  Tặng cho các con, những công chúa hoàng tử của đời thường nhưng thông minh, năng động và tự tin hơn các nhân vật công chúa, hoàng tử trong bao truyện cổ tích vạn vạn lần. 
           
                                                                                                   20.10.2015
                                                                                 (Happy Vietnam Women’s Day)

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

AI LÀ NGƯỜI THẦY THỨ 3 CỦA CON TRẺ?


                                                                 Nguyễn Trần Nghi Tuệ

Trẻ em được sinh ra đã sẵn sàng, có khả năng và hứng thú học hỏi. Chúng luôn muốn tiếp cận để tương tác với người khác và với thế giới xung quanh. Phát triển là một quá trình tự động nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi cá thể có cơ hội để tương tác trong những mối “quan hệ tích cực” và “môi trường thuận lợi”.  Bài trước chúng ta đã phân tích rất kĩ về khái niệm ‘quan hệ tích cực’ với ví dụ cực kì dễ thương của bố con ‘Dự án trồng rừng’.  Hi vọng quí vị bắt gặp những thực hành của mình qua các bài viết của tôi.  Tôi cũng như bao ông bố bà mẹ ngoài kia, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con trẻ.  Và tôi cũng không biết gì nhiều hơn mọi người, chỉ có tí thời gian rảnh ghi chép và hệ thống hoá các thông tin liên quan đến giáo dục để chia sẻ cùng mọi người. 

Môi trường xung quanh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ông Friedrich Froebel, một nhà nghiên cứu giáo dục từ những năm 1800s, đã so sánh việc thiết kế môi trường cho trẻ giống như việc thiết kế một ngôi vườn, bốn mùa thay đổi các loại cây trái được trồng, nếu hứng lên thì người làm vườn có thể thay đổi luôn cả bố cục của vườn, hoán đổi vị trí của cây trồng, thêm sỏi, thêm vỏ ốc cho vườn lung linh hơn, v.v.. 

Môi trường có thể tạo cảm hứng cho trí tưởng tượng của trẻ thêm phong phú. Có bao lần chúng ta thấy đầu óc mình như lâng lâng và có thể xuất khẩu thành thơ khi bước vào một khung cảnh đẹp lãng mạn?  Liệu tâm trạng có thảnh thơi, thoải mái khi bước vào ngôi nhà bừa bãi, đồ đạc vứt lung tung?  Môi trường cũng được biết đến trong việc hỗ trợ định hình hành vi của trẻ một cách tài tình.  Con bạn sẽ làm gì khi ở trong một phòng trống? Chắc chắn sớm muộn gì các bạn nhỏ cũng sẽ chạy quanh phòng, phòng càng trống thì sẽ càng chạy khí thế!  Đây là ví dụ kinh điển nhất khi người ta chỉ ra việc môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của trẻ.

Nếu ai quen thuộc với phương pháp Reggio Emilia thì hẳn biết họ so sánh môi trường như người thầy thứ 3 của trẻ.  Còn Maria Montessori thì nói ‘Người lớn ngưỡng mộ môi trường xung quanh bằng cách nhớ đến nó và suy nghĩ về nó, nhưng trẻ em hấp thụ nó. Trẻ không những nhớ những gì mình thấy mà còn cho phép chúng trở thành một phần của tâm hồn mình.  Những gì trẻ thấy, những gì trẻ nghe được hoá thân vào trẻ và hiện hữu trong thế giới tư duy của trẻ’. 

Môi trường được chia làm 3 loại:  môi trường cảm xúc (emotional environment), môi trường trong nhà (indoor environment), và môi trường ngoài trời (outdoor environment).  Để đi sâu vào từng loại môi trường chúng ta phải cần khá nhiều giấy mực hoặc dễ chừng 1-2 ngày vừa học vừa thực hành mới lần lượt hiểu rõ cách thức tạo môi trường lí tưởng cho trẻ. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin phép đưa ra các nguyên tắc chung cho tất cả 3 loại môi trường nói trên, hi vọng từ đó chúng ta có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của môi trường lên sự phát triển của trẻ. 

10 nguyên tắc vàng để cho con môi trường phát triển lí tưởng
    1. Nếu bạn quan sát trẻ chơi, bạn sẽ thấy trẻ hay lặp lại các hoạt động.  Khoa học đã chứng minh, sự lập lại hoạt động giúp các kết nối trong não khoẻ hơn, bền vững hơn.


Tôi dám chắc con bạn đã có những lúc bắt bạn đọc tới đọc lui một quyển truyện; hoặc bắt ông bà kể hoài một câu chuyện mà không biết chán. Lần sau, thay vì bạn gắt ‘Sao chọn cuốn này hoài vậy con?’.  Nếu bạn đổi thành ‘Tối này bố/mẹ con mình lại được gặp bạn chó/mèo, v.v.. nữa rồi!  Con thích điều gì ở câu chuyện này nào?’, không phải bạn đang tạo dựng ‘quan hệ tích cực’ và khuyến kích ‘tư duy mở’ đấy sao?  Biết đâu câu trả lời của trẻ sẽ làm bạn bất ngờ!

   


   2. Có những lúc chúng ta cần thiết kế các hoạt động mà trẻ có thể khám phá trong một thời gian dài. 

     3. Nhớ rằng quá trình thực hiện nên được chú trọng, thay vì chỉ chăm bẳm vào kết quả thôi.

Cùng cùng vật liệu và dụng cụ nhưng lại cho ra 3 sản phẩm ‘không’ đều tay nếu căn cứ theo hình trên.  Ngôi nhà ở góc phải tôi không bàn đến vì bạn này cách 2 bạn kia đến 4 tuổi.  So sánh 2 ngôi nhà còn lại do 2 trẻ 6 tuổi làm, tôi sẽ dành nhiều lời khen hơn cho ‘ngôi nhà nằm trên giấy.  Vì sao à?  Vì tỉ mỉ không phải là ‘sở trường’ của con trai.  Vì bạn đã kiên trì xếp các que diêm bé tí sao cho sát nhau.  Vì bạn không sao chép rập khuôn từ nguời chị lớn của mình mà tự suy nghĩ để tạo ra sản phẩm khác biệt ‘nền nhà của con trên giấy to hơn để cho chắc, mang đi đâu cũng dễ’!  Vậy xin đừng nhìn vào ‘sản phẩm’ cuối cùng để đánh giá con trẻ.


   4. Có đủ vật liệu / đồ chơi để trẻ có thể chia sẻ với bạn không, nhất là với những trẻ nhỏ đang trong giai đoạn hình thành ‘khả năng chia sẻ’?

    5. Tạo cho trẻ có cơ hội tự tìm tòi, tự giải quyết vấn đề mà không có sự gián đoạn của người lớn.

     Một ngày đẹp trời, các con được người lớn đưa đi hái táo.  Lúc đầu thì chỉ cần quả to quả già là đủ tiêu chuẩn theo lời mẹ dặn.  Sau đó, các con muốn thách thức mình khi muốn hái những quả to quả già nhưng phải ở trên cao cơ.  Trước hết, mỗi bạn chọn ra một cây mà mình nghĩ có táo ‘đủ tiêu chuẩn’.  Tiếp đến, các con tự phân công nhau đi dọc 2 dãy táo, tìm thang, tìm cách khiêng về gần cây táo mình đã chọn… và cứ thế mà vui.  Mẹ đứng gần vờ như cũng bận rộn hái táo, nhưng để mắt quan sát xem các con làm gì và ‘Nhớ mỗi lần chỉ được một người trên thang thôi nhé!’ - dĩ nhiên sẽ làm công việc muôn thuở của người mẹ là nhắc nhở!

   6. Trẻ cần được dạy thói quen dọn dẹp cất đồ chơi lên kệ sau khi chơi xong.  Nhưng khi nào là chơi xong?  Có những hoạt động, nhất thiết là phải trước khi sang hoạt động khác, hay là cuối ngày, hay là trước khi ra ngoài?  Hãy tạo cơ hội cho trẻ có lúc được quay lại với hoạt động mà tưởng như đã chơi xong rồi.

  7. Vật liệu / đồ vật trẻ chơi có đa dạng hay chỉ thiên về những gì người lớn thích, hay những gì bố mẹ thích? 

      
Giả sử nơi này bán vé vào cổng 30,000vnd một lần vào để nhảy lên xuống mấy tảng đá này, bạn bỏ tiền ra cho chon bạn vào không?  Nhưng khi con trẻ nhìn thấy nó, tôi chắc là nơi này sẽ có sức hút đặc biệt đấy.  Một nơi tưởng như ‘không có gì để chơi’, nhưng 5 bạn nhỏ này đã chơi hơn 2 giờ đồng hồ ở đây và đã quay lại rất nhiều lần sau nữa đấy!



  8. Trẻ em nên có các cơ hội để khám phá, quan sát, tham gia, và tái tạo lại trải nghiệm: thêm vào, thay đổi hoặc kết hợp các vật liệu / đồ vật lại với nhau.

   9.   Vì trẻ được là một cá thể riêng biệt, trẻ cần có thời gian riêng khám phá chơi một mình.  Cũng có lúc bạn muốn cà phê hay lang thang dạo phố một mình đúng không?



Không phải lúc nào chơi chung với bạn cũng tốt.  Khi một mình trẻ sẽ bớt có áp lực thắng thua, nhanh chậm … quan trọng hơn, chúng ta đang cho trẻ cơ hội để khám phá thế giới xung quanh với pace riêng, biết tự lực cánh sinh, chọn lựa để tập trung vào việc gì đó, và học từ những thử nghiệm chưa hoàn hảo.  Tất cả những điều trên đều giúp cho con trẻ tự tin với bản thân mình.



  10.  Ba loại môi trường chơi có được cân bằng không?  Ở ngoài khám phá thiên nhiên là một việc làm rất nên khuyến khích nhưng cũng nên nhớ trẻ cũng cần có thời gian ở trong nhà.  Môi trường ngoài trời và trong nhà đều tuyệt vời nhưng nếu thiếu ‘môi trường cảm xúc’ tốt cũng là một sự sai sót.  Giống như được đi chơi là vui, nhưng được đi với bố mẹ cảm xúc phải khác hơn là chỉ được đi với bà con, đúng không?

Bây giờ thì hãy ra khỏi nhà và cùng vui với những đứa con tuyệt vời của mình nào!

                                         

Chúc hạnh phúc và… hãy tạo ra nhiều nhiều và thật nhiều kỉ niệm vui!  Bạn là người thầy thứ nhất của con và bạn được trao quyền ‘nhào nặn’ người thầy thứ 3 của con đấy! 

                                15.10.2015

                  (Mùa thu Canada đã thật sự bắt đầu.)

QUAN HỆ TÍCH CỰC - NGƯỜI LỚN CÓ THỂ LÀM GÌ

                           
                                                                                                                      
                                                                                             Nguyễn Trần Nghi Tuệ


Trong bài 1, Học hiệu quả - dấu hiệu nhận biết (vào đây xem bài đăng ngày 6 tháng 10 nếu bạn chưa đọc www.facebook.com/nguyentrannghitue), tôi có đề cập sơ qua đến hai khái niệm ‘quan hệ tích cực’ và ‘môi trường thuận lợi’.  Tôi đã viết như sau:  Trẻ em được sinh ra đã sẵn sàng, có khả năng và hứng thú học hỏi.  Chúng luôn muốn tiếp cận để tương tác với người khác và với thế giới xung quanh.  Phát triển là một quá trình tự động nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi cá thể có cơ hội để tương tác trong những mối “quan hệ tích cực” và “môi trường thuận lợi”.  Tôi có đưa ra ví dụ để giúp quý vị hiểu hai khái niệm này được áp dụng như thế nào trong một tình huống cụ thể.  Qua đó tôi hi vọng chúng không phải chỉ là 2 khái niệm sáo rỗng, khô khan, đọc một lần rồi theo gió bay mất, mà khi tương tác với con trẻ, chúng có thể là mũi tên dẫn lối rõ ràng hơn.

Bây giờ có mũi tên dẫn lối, ta biết nhắm hướng nào để đi, chứ không bắt gặp mình đứng giữa ngã 3 đường, dợm bước bên này rồi thấy sao vắng vẻ quá nên cuối cùng chọn phía đông đúc cho đỡ sợ.  Sau khi đọc bài 1, tôi tin rằng mọi người hiểu ra được tầm quan trọng của việc tạo dựng mối quan hệ tích cực với trẻ cũng như môi trường thuận lợi đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ.  Biết đường để đi, nhưng bước đi thế nào, khi nào sải chân, khi nào bước ngắn, khi nào nên dừng lại nhấn nhá đôi chút, v.v.. là những gì tôi muốn chia sẻ trong bài này, xin lấy tựa là:  Quan hệ tích cực – Người lớn có thể làm gì cho con thân yêu của mình?  Hãy đọc ví dụ Dự án trồng rừng rồi ta cùng nhau phân tích nhé.

Con:  Ba ơi ba chơi với con đi?
Ba:  Ừ, để ba cất cái này qua một bên rồi mình cùng chơi nè.  Rồi, chơi cái gì nào con yêu?
Con:  Con muốn mình chơi trò trồng cây đi Ba!
Ba:   Ba thấy ý tưởng hay đó, nhưng sao con lại thích chơi trò này?
Con: Con qua nhà Ông Nội thấy Ông hay mua cây trồng trên sân thượng, nhiều cây lắm và ở trường hôm qua con cũng thấy Cô giáo đem một cái cây vào để trên bàn làm việc của Cô đó Ba.
Ba:  Ồ thế à.  Ba rất thích cách con để ý đến mọi việc xảy ra xung quanh mình đấy.  Không có gì qua được con mắt con gái Ba hết nha…!  Vậy bây giờ mình bắt đầu sao nè?
Con:  Thì mình đi lượm mấy cái cành về giả bộ làm cây.  Mình cần nhiều vì con muốn làm cái vườn to.
Ba:  Vườn càng to thì cần càng nhiều cây đấy.  Ba rất muốn ra ngoài nhặt cành cây với con nhưng trời sắp tối mất rồi, không biết mình có thể dùng vật gì trong nhà được không con?
Con:  Nhà mình làm gì có vật giống cái cây…
Ba:  Thì mình tìm cái gì đó dài dài cắm xuống giả bộ làm cây, như vậy có được không?
Con:  Vậy để con chạy xuống bếp hỏi Mẹ cho con mượn đũa, mình cắm xuống làm rừng luôn, không làm vườn nữa hi hi hi… (chạy đi đem về 1 nắm đũa).
Ba:   Nào mình bắt đầu nè.  À, Ba có môt vấn đề cần con giúp.  Nếu mình sử dụng hết bó đũa này, chút nữa ăn tối nhà mình lấy đũa đâu mà ăn?  Vậy phải giải quyết sao đây?
Con:  Ừ ha.  Con muốn sau khi làm xong, con giữ đến mai đem qua nhà Ông Nội cho Ông xem có giống vườn của Ông không.  Vậy mình tìm cái khác hen Ba.  Hơi bị khó vì con có thấy vật gì có thể cắm xuống đâu ta.  Nhà mình đâu có gì đâu.
Ba: Mẹ vừa gọi, Ba chạy xuống bếp giúp Mẹ tí.  Nhà mình nhiều thứ thế, chắc con sẽ nghĩ ra thôi. 
Ba (quay lại sau 5 phút và vẫn thấy con ngồi suy nghĩ):  Con hãy đi một vòng quanh nhà xem có tìm được vật gì làm cây không nhé?
Con:  Con tìm được rồi nè! (Con khệ nệ bê cái rỗ dựng đầy bút chì màu)
Ba:  Ba biết thế nào con cũng nghĩ ra mà.  Giờ mình cần thêm gì để bắt đầu dự án trồng rừng của hai ba con mình đây nhỉ?
Con:…
Ba:….
Con:…
Ba:…

(Hai cha con hoàn thành dự án ‘trồng rừng’.  Lúc đầu chỉ sử dụng viết chì màu, sau đó thêm vào bút lông, rồi sau đó bút chì, bút mực, cả cục tẩy v.v..  Nhiều cây được trồng gần nhau, hai ba cây chụm lại một nhưng lại có những cây trồng cách xa nhau.  Rồi có cây cao cây thấp vì con bảo cây cũng giống như người, có người nhỏ người to.  Con còn lấy dây len giả bộ là dây leo vì ‘rừng phải rậm rạp chứ không như vườn nhà Nội được ba à’.)
Con:  Cây cao nhất nhất chắc cao hơn nhà mình ba nhỉ?
Ba: Câu hỏi này của con làm Ba ‘bí’ rồi vì Ba cũng không biết cây cao nhất được ghi chép là cao bao nhiêu.  Câu hỏi này thú vị đấy, đáng để mình tìm hiểu thêm trong tuần này nhé.  Bây giờ mình đi rửa tay ăn tối thôi.  Hôm nay chơi vui ghê!

Đọc là thấy ngay hai bố con này đã tạo dựng được một ‘quan hệ tích cực’. Dễ thương quá phải không mọi người! Tôi đã rất sung sướng khi trực tiếp chứng kiến câu chuyện ấy.  Bây giờ đánh máy kể lại vẫn còn lâng lâng.  Vô cùng tự hào khi biết một ông bố như vậy và tin chắc còn có nhiều nhiều ông bố bà mẹ tuyệt vời hơn thế nữa. 

Vậy ông bố này tuyệt vời ở chỗ nào?  Các thực hành nào ở ví dụ trên đáng để ta học hỏi, để ta củng cố những gì mình biết về tạo dựng ‘quan hệ tích cực’?  Tôi sẽ liệt kê các dấu hiệu cho thấy người lớn đang có các thực hành đúng, góp phần tạo dựng ‘quan hệ tích cực’ với con trẻ.  Để có sự nhất quán và liền mạch giữa bài viết này và bài viết trước, tôi sẽ triển khai các ý của bài này dưới 3 đặc điểm nhận biết học hiệu quả đã được liệt kê ở bài 1.  Như vậy sẽ giúp quý vị hệ thống hoá các thông tin một cách đơn giản.  Tôi cũng sẽ sử dụng hình thức tự đánh giá và tự trắc nghiệm để chúng ta cùng nhau chúc mừng những điều tuyệt vời mình đã làm cho những đứa con thân yêu nhé.   

Đặc điểm 1:  Vui chơi và khám phá – Tham gia
Người lớn có…
·         Khuyến khích trẻ khám phá?
·         Giúp trẻ chỉ khi cần thiết?
·         Tham gia chơi cùng trẻ?
·         Khuyến khích trẻ thử những hoạt động mới?
·         Quan sát chú ý cách trẻ tham gia vào các hoạt động?

Đặc điểm 2:  Học tập tích cực – Động lực
Người lớn có…
·         Hỗ trợ trẻ chọn hoạt động?
·         Kích thích sự thích thú của trẻ bằng việc quan tâm chia sẻ?
·         Khuyến khích trẻ nói về quá trình thực hiện hoạt động?
·         Khen trẻ?
·         Động viên trẻ học tập lẫn nhau và từ những người khác?

Đặc điểm 3:  Sáng tạo và suy ngẫm – Tư duy
Người lớn có…
·         Khuyến khích tư duy mở?
·         Luôn tôn trọng những nỗ lực và ý kiến của trẻ?
·         Cho thời gian suy nghĩ thay vì đòi hỏi trẻ xử lý thong tin và đưa ra câu trả lời ngay?
·         Trò chuyện cùng trẻ?
·         Để cho trẻ thấy bạn cũng có lúc ‘bí’, không có câu trả lời cho câu hỏi của trẻ?

Áp dụng những gạch đầu dòng ở trên vào ví dụ ‘Dự án trồng rừng’, tôi thấy ông bố đã có các thực hành giúp xây dựng mối quan hệ tích cực như sau:
·         Tham gia chơi cùng trẻ.  Quan trọng hơn là ông bố này chơi trò của trẻ đề xuất ra.  Không những vậy, người bố này còn tham gia tích cực vào trò chơi, như một người bạn nhí của con.
·         Giúp trẻ chỉ khi cần thiết.  Người bố không làm hộ hay chỉ đạo con làm theo cách của mình, lúc nào cũng triển khai từ các ý của con.  Anh đã khéo léo đặt câu hỏi mở, giúp trẻ tự phát hiện ra vấn đề rồi sau đó tự đưa ra hướng giải quyết theo cách rất riêng của mình.
·         Khuyến khích tư duy mở.  Người bố làm việc này rất thành công bằng việc không thoả mãn ngay với những ý tưởng đầu tiên mà trẻ đưa ra. 
·         Cho thời gian suy nghĩ.  Đôi lúc người lớn hỏi rồi tự trả lời luôn hoặc là trẻ chưa kịp có thời gian suy nghĩ thì mình đã hỏi câu tiếp theo. Người bố cho con thêm thời gian để tìm ra giải pháp cho vấn đề đang gặp phải.  Vấn đề khó thì thời gian dài hơn một chút, và kèm thêm gợi ý ‘con đi một vòng quanh nhà xem sao?’
·         Khen trẻ.  Đây là một nghệ thuật mà tôi cho là khó học nhất nhưng khi thực hành đúng thì hiệu quả vô cùng. Làm sao lời khen của mình không sáo rỗng và chung chung.  Người bố đã vừa khen vừa khích lệ trẻ. Anh đã cụ thể hoá khi khen con, không chỉ khen khi con ‘thành công’ mà đã khen cả những cố gắng, nỗ lực và sự kiên trì giải quyết vấn đề của con.
·         Luôn tôn trọng những nỗ lực và ý kiến của trẻ.  Ông bố làm rất tốt điều này, như vậy, đứa bé cảm thấy an tâm ‘mạo hiểm’ chia sẻ các ý tưởng, hay đưa ra các câu trả lời của mình.  Qua đây, anh ấy khuyến khích sự không ‘rập khuôn’.
·         Không ai biết tất cả.  Người bố đã cho bé thấy anh không phải lúc nào cũng có câu trả lời cho mọi thứ và chuyện đấy không có gì đáng chê trách.  Chỉ đáng chê trách nếu mình không biết mà lại không tìm hiểu.  Hai cha con chắc rằng đã tìm thông tin xem cây cao nhất được ghi nhận là cao bao nhiêu từ Ông Google chẳng hạn.

Tôi chắc rằng vẫn còn rất nhiều thực hành hay mà tôi chưa phân tích tới trong ví dụ ‘Dự án trồng rừng’ này.  Đọc xong các phân tích, cảm giác thật tuyệt vời khi thấy mình đã làm được bao điều cho con trẻ phải không quý vị?  Có người sẽ tự nhủ ‘Ồ, lúc xưa mình có làm vậy nhưng sau này bận quá nên không làm được thường xuyên lắm thôi!’ hay ‘Ừ thì mình biết là nên làm nhưng chưa thể thực hành chưa được nhiều’. Quý vị tick nhiều hay chỉ tick được vài cái ở trên đều đáng khen bởi Quý vị đã là người lớn có trách nhiệm. Tôi tin rằng ai cũng có mong muốn mãnh liệt tạo dựng mối quan hệ tích cực với con, với cháu, với học trò của mình.  Làm được nhiều hay ít chưa chắc là điều quan trọng nhất cần để ý đến, mà mong muốn được làm tốt hơn những gì mình đang làm mới là điều đáng được ghi nhận và hoan nghênh. Vậy hãy bắt đầu từ những thực hành nhỏ nhất qua ví dụ trên nhé.  Chúc mọi người thành công và có được nhiều niềm vui, sự thú vị khi tạo dựng mối quan hệ tích cực với con mình, cháu mình, hay học trò của mình.  Quan hệ có tích cực thì quá trình dẫn dắt, hướng trẻ theo điều hay, điều tốt mới dễ dàng và có được sự tham gia, hợp tác của trẻ.

Hẹn mọi người ở bài 3 để chúng ta tiếp tục chia sẻ, tìm hiểu sâu về Môi trường thuận lợi – tạo ra nó như thế nào? 

                                                                                     12.10.2015
                                                                            (Happy Thanskgiving Day)


HỌC HIỆU QUẢ - DẤU HIỆU NHẬN BIẾT


                                                                                        Nguyễn Trần Nghi Tuệ

Những tháng hè, ba mẹ tất bật xuôi ngược tìm trường cho con.  Có cả một danh sách dài các tiêu chí mà ngôi trường tương lai của con cần phải đạt được.  Nào là địa điểm tiện lợi cho việc đưa đón, rồi thì cơ sở hạ tầng phòng ốc sạch sẽ, phòng chức năng đầy đủ, kế tiếp phải là chương trình dạy với triết lí giáo dục thuyết phục, sau đó cảm nhận của bạn về cô giáo, ban giám hiệu nhà trường có chuyên nghiệp, thương trẻ như thương con không, v.v.. Ai đã tìm trường cho con thì biết được nỗi gian nan, nhọc nhằn mà các ông bố bà mẹ phải trải qua.  Tìm trường cho con có thể đánh đồng với bao nhiệm vụ cao cả khác như nhớ lịch tiêm chủng, cân bằng bữa ăn, v.v.. mà bố mẹ phải làm cho con mình.  Cái thở phào nhẹ nhõm, mãn nguyện với chọn lựa của mình hẳn đã theo vào bữa tối, làm không khí gia đình ấm cúng hơn. 

Bố mẹ quan sát và thấy rằng:
·       - Con thành công với việc làm quen với trường mới, bạn mới, cô thầy giáo mới… mỗi sáng chia tay bố mẹ với nụ cười ngoác mang tai
·       - Con đi học về bi ba bi bô kể chuyện trường lớp không ngừng
·     - Cô thầy giáo thương trẻ, tận tâm với nghề, chăm chỉ sáng tạo các hoạt động mới mỗi ngày, và bạn được cập nhật thường xuyên thông qua trang web của trường
·        -  Trường rất chuyên nghiệp cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về chương trình học và luôn lắng nghe, cố gắng đáp ứng nhu cầu của mỗi phụ huynh

Những biểu hiện trên giúp bố mẹ yên tâm là mình đã chọn trường phù hợp cho con. Cái mà tôi muốn bàn ở đây là làm sao chúng ta phân biệt giữa học và học hiệu quả.  Trẻ em đến trường là đã đươc học.  Dù có ở trong môi trường không lí tưởng lắm, giáo viên chưa đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, trường chưa phải là trường điểm… nhưng ta không thể chối cãi là trẻ vẫn đang học đấy thôi.  Cái đích chúng ta phải đến là ‘học hiệu quả’ thay vì chỉ ‘học’.  Vậy các dấu hiệu nào cho ta biết trẻ ‘học hiệu quả’? 

Vui chơi và khám phá; học tập tích cực; sáng tạo và suy ngẫm là những gì nên diễn ra khi trẻ tương tác với mọi người và môi trường xung quanh.  Ba đặc điểm này được hiện diện trong quá trình học và phát triển ở mỗi trẻ, xuyên suốt các lĩnh vực phát triển khác nhau.  Chúng được ví như kim chỉ nam giúp ta nhận biết và đánh giá việc học của trẻ có hiệu quả không.  Theo chương trình Mầm non Anh Quốc, quá trình phát triển của trẻ từ lúc mới lọt lòng cho đến hết 5 tuổi chia ra làm 7 lĩnh vực học và phát triển.  Phát triển cá nhân, ý thức xã hội và tình cảm; Giao tiếp và ngôn ngữ; Phát triển thể chất; Văn học; Toán học; Hiểu biết thế giới; và Nghệ thuật biểu hiện và thiết kế là 7 lĩnh vực học và phát triển sẽ được trình bày lần lượt trong các bài viết sau.   Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ sơ lược 3 đặc điểm nhận biết học hiệu quả dưới hình thức tự đánh giá và tự trắc nghiệm để giúp chúng ta dễ dàng nhận ra và liên tưởng đến chúng.

Đặc điểm 1:  Vui chơi và khám phá – Tham gia
Tìm hiểu và khám phá:  Trẻ có
·         Tò mò về mọi thứ xung quanh như đồ vật, sự việc, và con người?
·         Sử dụng các giác quan để khám phá thế giới xung quanh?
·         Tham gia các hoạt động mở?
·         Thể hiện sự thích thú cụ thể chứ không nói chung chung?

Tự tin với những gì trẻ biết:  Trẻ có
·         Chọn chơi với những vật quen thuộc không?
·         Thể hiện những trải nghiệm của mình qua các trò chơi?
·         Tưởng tượng và nhập vai khi chơi?
·         Lôi cuốn người khác vào trò chơi của mình?

Sẵn sàng để thử nghiệm:  Trẻ có
·         Khởi xướng các trò chơi?
·         Tìm kiếm những thử thách?
·         Thái độ tích cực luôn tự tin vào khả năng bản thân?
·         Chấp nhận mạo hiểm, tham gia vào những trải nghiệm mới và rút ra kinh nghiệm từ các thử nghiệm?

Đặc điểm 2:  Học tập tích cực – Động lực
Tham gia và tập trung:  Trẻ có
·         Duy trì sự tập trung khi tham gia hoạt động?
·         Thể hiện cao độ niềm đam mê và đầy năng lượng?
·         Khó bị phân tâm?
·         Chú ý đến từng chi tiết?

Cố gắng kiên trì:  Trẻ có
·         Kiên trì ngay cả khi gặp phải thách thức?
·         Thể hiện niềm tin rằng ‘có công mài sắt có ngày nên kim’?
·         Lấy lại tinh thần để thử lại sau khi thất bại?

Hài lòng khi làm được điều mình muốn:  Trẻ có
·         Thể hiện sự hài lòng khi trẻ đạt được mục đích tự đặt cho mình?
·         Tự hào vui thích khi thực hiện một điều gì đó, chứ không chỉ thích thú với kết quả cuối cùng?
·         Tìm thấy niềm vui cho chính mình khi vượt qua thách thức chứ không phải làm để mong đợi người khác khen hay để được thưởng?

Đặc điểm 3:  Sáng tạo và suy ngẫm – Tư duy
Có chủ kiến riêng:  Trẻ có
·         Nghĩ ra các ý tưởng?
·         Tìm cách để giải quyết các vấn đề?
·         Sáng tạo ra cách mới để thực hiện các vấn đề?

Kết nối trải nghiệm:  Trẻ có
·         Nhận ra các mối tương quan và kết nối chúng với nhau?
·         Đưa ra các dự đoán?
·         Kiểm tra, xác minh lại kết quả?
·      Hứng thú tìm hiểu về xếp nhóm, trình tự, nguyên nhân và hiệu quả của các sự việc xảy ra xung quanh?

Chọn lựa cách tiếp cận vấn đề phù hợp:  Trẻ có
   Lập kế hoạch, đưa ra các quyết định về việc làm thế nào để tiếp cận một nhiệm vụ, giải quyết một vấn đề và đạt được mục tiêu?
   Biết tự xem xét, đánh giá và giám sát công việc của mình không? 
  Biết thay đổi chiến lược khi cần thiết?

Xin chúc mừng những bố mẹ nào đã bắt gặp các đặc điểm trên ở con của bạn! Nếu bố mẹ nào chưa thể ‘tick’ được nhiều thì xin đừng lo lắng bởi vì Học tích cực là một thói quen.  Mà thói quen thì được hình thành và củng cố trong một thời gian dài.  Khi thói quen mới hình thành, trẻ có lúc nhớ lúc quen.  Khi đã hình thành sau một thời gian dài, cộng với sự khen ngợi và khuyến khích kịp thời, thói quen sẽ ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một phần của trẻ. 

Theo nghiên cứu, sự thành công ở trẻ tỉ lệ thuận với thái độ mong muốn khám phá và chấp nhận rủi ro.  Tự bản thân trẻ sinh ra với thái độ mong muốn tích cực này hay có tác động nào giúp trẻ?  Xin thưa, trẻ em được sinh ra đã sẵn sàng, có  khả năng và hứng thú học hỏi.  Chúng luôn muốn tiếp cận để tương tác với người khác và với thế giới xung quanh.  Phát triển là một quá trình tự động nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi cá thể có cơ hội để tương tác trong những mối “quan hệ tích cực” và “môi trường thuận lợi”. Hai yếu tố ‘quan hệ tích cực’ và ‘môi trường thuận lợi’ thúc đẩy nuôi dưỡng trẻ có động lực để tham gia vào các hoạt động và tư duy suy ngẫm kết nối các trải nghiệm của mình thành những chuỗi thông tin có ý nghĩa.  Từ đây hình thành thói quen Học tích cực mà chúng ta vừa tìm hiểu ở trên.

Tôi luôn tin rằng trẻ em sinh ra với mong muốn khám phá, học hỏi và luôn đầy nhiệt huyết tiếp cận với cái mới.  Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần cảnh các bé mắt long lanh đầy phấn khởi xin tham gia vào một hoạt động nào đó, hay xin được phép làm việc gì đó mà chắc mỗi ngày bé không được làm.  Mới đây nhất, ở một siêu thị gần nơi tôi đang ở, thành phố Brampton Canada,  tôi thấy một bé trai khoảng 5-6 tuổi cùng mẹ đợi ai đấy ở sảnh siêu thị.  Lúc đầu bé ngoan ngoãn ngồi đợi.  Được ít phút bé tiến lại gần cửa khám phá cái gì ở đó.  Từ xa, tôi thấy bé săm soi, dùng ngón tay di tới di lui cái gì đấy trên cửa kính.  Mẹ bé luôn miệng kêu réo bắt bé quay lại ghế ngồi.  Một lát sau, hai mẹ con rời khỏi sảnh siêu thị mà tiếng làu bàu, càm ràm của người mẹ vẫn còn vẳng lại phía sau.  Tôi đi ngang qua và không thể cưỡng lại sự tò mò muốn xem  cái gì ở khung cửa kính đã lôi cuốn cậu bé trai nhiều thế.  Các bạn biết tôi phát hiện gì không?  Nhiều hàng chữ, như những hàng chữ mình thấy trong vở tập viết vậy.  Thì ra, khi áp mặt mình vào cửa kính để nhìn ra ngoài, cậu bé đã vô tình phát hiện ra lớp sương mờ, và khi chạm vào cậu đã có thể sử dụng như bảng viết.  Tôi đoán là ở trường, cậu đang được cô thầy dạy viết chữ, thế là lấy ra thực hành luôn.  Vậy câu chuyện này có liên quan gì đến hai yếu tố "quan hệ tích cực" và "môi trường thuận lợi" tôi vừa đề cập ở trên?

Ở ví dụ này, "Quan hệ tích cực" là lòng tin.  Nếu quan hệ giữa mẹ và cậu bé này gần gũi và tin cậy, tôi chắc rằng người mẹ sau khi nhắc con quay lại mà con vẫn không nghe, sẽ đứng dậy đến gần tìm hiểu vì người mẹ luôn vững tin rằng, con mình, phải có lí do nào đó mới 'chống' lại lời mẹ, thay vì mặc định là con đang bướng, đang muốn cãi lời.  Càng tưởng tượng cảnh cậu bé sung sướng hãnh diện chỉ cho mẹ thấy phát hiện mới của mình, tôi càng tiếc cho người mẹ đã đánh mất một cơ hội tốt để hiểu con mình.  Tiếc hơn nữa, đây có thể đã là cơ hội để củng cố 'quan hệ tích cực' giữa mẹ và con.

Còn yếu tố 'môi trường thuận lợi" đóng vai trò như thế nào để cậu bé đáng yêu này hình thành thói quen 'học tích cực'?  Với câu chuyện trên, kết quả có hậu là sau khi biết được con đang làm gì, người mẹ đã cùng con hà hơi và dùng ngón tay vẽ lên cửa kính.  Dĩ nhiên là trong phạm vi thời gian cho phép chứ đang vội thì có thời gian đâu mà cùng ‘chơi’.  Nên điều này có thể kéo dài 1 phút hay vài chục phút, tuỳ tình hình hiện tại.  Hành động ngừng lại để cùng chơi với khám phá mới này của con đồng nghĩa là bạn đang gửi thông điệp đến cho con 'Mẹ tự hào về phát hiện thông minh của con đấy.  Mẹ cũng thấy thú vị và muốn cùng còn cảm nhận trải nghiệm này!”  Đây là thực hành – Đi vào thế giới của trẻ, một trong 5 ý dưới chủ đề 'Người lớn giúp trẻ học như thế nào?” mà tôi có liệt kê ở trên.  Tất cả các bài viết về sau của tôi sẽ xoay quanh 5 ý này, nhằm chia sẻ các kinh nghiệm mà tôi có được khi làm mẹ, làm cô giáo, và trên hết, kinh nghiệm làm bạn của trẻ.

Khi về đến nhà, ngay lập tức hoặc trong mấy ngày tới, người mẹ có thể cho phép con thử nghiệm trên cái gương trang điểm của mình chẳng hạn.  Nếu cậu bé tiếp tục hứng thú với khám phá mới này, mẹ có thể cùng bé lên mạng tìm hiểu thông tin lí giải cho hiện tượng hơi thở làm mờ gương như thế nào v.v..  Đấy đã là một cách bạn tạo ra 'môi trường thuận lợi', để trẻ tự tin khám phá tìm tòi thế giới xung quanh của mình mà không cảm thấy sợ hãi là mình đang làm điều gì sai, làm điều gì khác với ngày thường.  Được nuôi dạy và lớn lên giữa các mối ‘quan hệ tích cực’ và 'môi trường thuận lợi', trẻ em sẽ trở nên tự tin, ham học hỏi và luôn chia sẻ, gần gũi với bố mẹ.  'Quan hệ tích cực' phải đươc xây dựng từ khi còn bé chứ không thể đợi đến khi trẻ lớn, lúc đấy bạn mới gõ cửa dặn dò 'Giờ con lớn rồi, nhiều điều mới đang xảy ra xung quanh con, có gì không hiểu thì chia sẻ với mẹ nhé!" và hi vọng chỉ với câu nói đó, các con sẽ thổ lộ tâm tư cho mình biết. 

Ví dụ trên giúp cho bố mẹ hiểu thêm về khái niệm ‘quan hệ tích cực’ và ‘môi trường thuận lợi’.  Tôi hi vọng sẽ có cơ hội viết một bài riêng, phân tích sâu và đưa ra các hướng dẫn chi tiết giúp cho bố mẹ trang bị cho mình kĩ năng tạo ra ‘quan hệ tích cực’ và cung cấp ‘môi trường thuận lợi’ cho con của mình.

Quá trình học hỏi và phát triển của trẻ có mối tương quan mật thiết với các mối quan hệ trong gia đình, xã hội và với môi trường quanh trẻ.  Mỗi đứa trẻ có một mối tương quan riêng biệt, không giống đứa trẻ nào khác.  Sự ‘duy nhất’ này phản ảnh văn hoá, giá trị của cộng đồng bố mẹ chọn cho trẻ được tiếp cận mỗi ngày. 

Một môi trường luôn để trẻ là trọng tâm của việc học, giáo viên và nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, sẽ tạo ra một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo, biết tiếp cận vấn đề một cách khoa học và yêu khám phá. Đấy không phải là những gì các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở nhân viên của mình sao? Hay ngược lại, nhân viên nào lại không thích có sếp tài năng như thế.  

Học tích cực sẽ là con đường đặt nền tảng cho sự thành công của con bạn.  Thế giới công nghệ ngày càng phát triển sẽ giúp cho mọi thành phần xã hội tiếp cận với thông tin (kiến thức) một cách dễ dàng hơn. “Học’ sẽ cung cấp cho trẻ kiến thức nhưng ‘học tích cực’ sẽ cho trẻ kĩ năng tiếp cận vấn đề, bao gồm việc tìm kiếm và học thuộc một kiến thức nào đó.


                                                                                     5.10.2015
                                                                                (World teacher day!)