Nguyễn Trần Nghi Tuệ
Trẻ em được sinh ra
đã sẵn sàng, có khả năng và hứng thú học hỏi. Chúng luôn muốn tiếp cận để tương
tác với người khác và với thế giới xung quanh. Phát triển là một quá trình tự động
nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi cá thể có cơ hội để tương tác
trong những mối “quan hệ tích cực” và “môi trường thuận lợi”. Bài trước
chúng ta đã phân tích rất kĩ về khái niệm ‘quan hệ tích cực’ với ví dụ cực kì dễ
thương của bố con ‘Dự án trồng rừng’. Hi vọng quí vị bắt gặp những thực hành của
mình qua các bài viết của tôi. Tôi cũng
như bao ông bố bà mẹ ngoài kia, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con
trẻ. Và tôi cũng không biết gì nhiều hơn
mọi người, chỉ có tí thời gian rảnh ghi chép và hệ thống hoá các thông tin liên
quan đến giáo dục để chia sẻ cùng mọi người.
Môi trường xung quanh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ông
Friedrich Froebel, một nhà nghiên cứu giáo dục từ những năm 1800s, đã so sánh
việc thiết kế môi trường cho trẻ giống như việc thiết kế một ngôi vườn, bốn mùa
thay đổi các loại cây trái được trồng, nếu hứng lên thì người làm vườn có thể
thay đổi luôn cả bố cục của vườn, hoán đổi vị trí của cây trồng, thêm sỏi, thêm
vỏ ốc cho vườn lung linh hơn, v.v..
Môi trường có thể tạo cảm hứng cho trí tưởng tượng của trẻ thêm phong
phú. Có bao lần chúng ta thấy đầu óc mình như lâng lâng và có thể xuất khẩu
thành thơ khi bước vào một khung cảnh đẹp lãng mạn? Liệu tâm trạng có thảnh thơi, thoải mái khi
bước vào ngôi nhà bừa bãi, đồ đạc vứt lung tung? Môi trường cũng được biết đến trong việc hỗ
trợ định hình hành vi của trẻ một cách tài tình. Con bạn sẽ làm gì khi ở trong một phòng trống?
Chắc chắn sớm muộn gì các bạn nhỏ cũng sẽ chạy quanh phòng, phòng càng trống
thì sẽ càng chạy khí thế! Đây là ví dụ
kinh điển nhất khi người ta chỉ ra việc môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến
hành vi của trẻ.
Nếu ai quen thuộc với phương pháp Reggio Emilia thì hẳn biết họ so
sánh môi trường như người thầy thứ 3 của trẻ.
Còn Maria Montessori thì nói ‘Người lớn ngưỡng mộ môi trường xung quanh
bằng cách nhớ đến nó và suy nghĩ về nó, nhưng trẻ em hấp thụ nó. Trẻ không những
nhớ những gì mình thấy mà còn cho phép chúng trở thành một phần của tâm hồn
mình. Những gì trẻ thấy, những gì trẻ
nghe được hoá thân vào trẻ và hiện hữu trong thế giới tư duy của trẻ’.
Môi trường được chia làm 3 loại:
môi trường cảm xúc (emotional environment), môi trường trong nhà (indoor
environment), và môi trường ngoài trời (outdoor environment). Để đi sâu vào từng loại môi trường chúng ta
phải cần khá nhiều giấy mực hoặc dễ chừng 1-2 ngày vừa học vừa thực hành mới lần
lượt hiểu rõ cách thức tạo môi trường lí tưởng cho trẻ. Trong khuôn khổ bài viết
này, tôi chỉ xin phép đưa ra các nguyên tắc chung cho tất cả 3 loại môi trường
nói trên, hi vọng từ đó chúng ta có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng và
sức ảnh hưởng của môi trường lên sự phát triển của trẻ.
10 nguyên tắc vàng để cho con môi trường phát triển lí tưởng
1. Nếu bạn quan sát trẻ
chơi, bạn sẽ thấy trẻ hay lặp lại các hoạt động. Khoa học đã chứng minh, sự lập lại hoạt động giúp
các kết nối trong não khoẻ hơn, bền vững hơn.
Tôi dám chắc con bạn đã có những lúc bắt bạn đọc tới đọc lui một quyển
truyện; hoặc bắt ông bà kể hoài một câu chuyện mà không biết chán. Lần sau,
thay vì bạn gắt ‘Sao chọn cuốn này hoài vậy con?’. Nếu bạn đổi thành ‘Tối này bố/mẹ con mình lại
được gặp bạn chó/mèo, v.v.. nữa rồi! Con
thích điều gì ở câu chuyện này nào?’, không phải bạn đang tạo dựng ‘quan hệ
tích cực’ và khuyến kích ‘tư duy mở’ đấy sao?
Biết đâu câu trả lời của trẻ sẽ làm bạn bất ngờ!
2. Có những lúc chúng
ta cần thiết kế các hoạt động mà trẻ có thể khám phá trong một thời gian
dài.
3. Nhớ rằng quá trình
thực hiện nên được chú trọng, thay vì chỉ chăm bẳm vào kết quả thôi.
Cùng cùng vật liệu và dụng cụ nhưng lại
cho ra 3 sản phẩm ‘không’ đều tay nếu căn cứ theo hình trên. Ngôi nhà ở góc phải tôi không bàn đến vì bạn
này cách 2 bạn kia đến 4 tuổi. So sánh 2
ngôi nhà còn lại do 2 trẻ 6 tuổi làm, tôi sẽ dành nhiều lời khen hơn cho ‘ngôi
nhà nằm trên giấy. Vì sao à? Vì tỉ mỉ không phải là ‘sở trường’ của con
trai. Vì bạn đã kiên trì xếp các que
diêm bé tí sao cho sát nhau. Vì bạn
không sao chép rập khuôn từ nguời chị lớn của mình mà tự suy nghĩ để tạo ra sản
phẩm khác biệt ‘nền nhà của con trên giấy to hơn để cho chắc, mang đi đâu cũng
dễ’! Vậy xin đừng nhìn vào ‘sản phẩm’ cuối
cùng để đánh giá con trẻ.
4. Có đủ vật liệu / đồ chơi để trẻ có thể chia sẻ với bạn không, nhất là với những trẻ nhỏ đang trong giai đoạn hình thành ‘khả năng chia sẻ’?
5. Tạo cho trẻ có cơ hội
tự tìm tòi, tự giải quyết vấn đề mà không có sự gián đoạn của người lớn.
Một ngày đẹp trời, các con được người lớn
đưa đi hái táo. Lúc đầu thì chỉ cần quả
to quả già là đủ tiêu chuẩn theo lời mẹ dặn.
Sau đó, các con muốn thách thức mình khi muốn hái những quả to quả già
nhưng phải ở trên cao cơ. Trước hết, mỗi
bạn chọn ra một cây mà mình nghĩ có táo ‘đủ tiêu chuẩn’. Tiếp đến, các con tự phân công nhau đi dọc 2
dãy táo, tìm thang, tìm cách khiêng về gần cây táo mình đã chọn… và cứ thế mà
vui. Mẹ đứng gần vờ như cũng bận rộn hái
táo, nhưng để mắt quan sát xem các con làm gì và ‘Nhớ mỗi lần chỉ được một người
trên thang thôi nhé!’ - dĩ nhiên sẽ làm công việc muôn thuở của người mẹ là nhắc
nhở!
6. Trẻ cần được dạy
thói quen dọn dẹp cất đồ chơi lên kệ sau khi chơi xong. Nhưng khi nào là chơi xong? Có những hoạt động, nhất thiết là phải trước
khi sang hoạt động khác, hay là cuối ngày, hay là trước khi ra ngoài? Hãy tạo cơ hội cho trẻ có lúc được quay lại với
hoạt động mà tưởng như đã chơi xong rồi.
7. Vật liệu / đồ vật
trẻ chơi có đa dạng hay chỉ thiên về những gì người lớn thích, hay những gì bố
mẹ thích?
Giả sử nơi này bán vé vào cổng 30,000vnd một lần vào để nhảy lên xuống mấy tảng đá này, bạn bỏ tiền ra cho chon bạn vào không? Nhưng khi con trẻ nhìn thấy nó, tôi chắc là nơi này sẽ có sức hút đặc biệt đấy. Một nơi tưởng như ‘không có gì để chơi’, nhưng 5 bạn nhỏ này đã chơi hơn 2 giờ đồng hồ ở đây và đã quay lại rất nhiều lần sau nữa đấy!
8. Trẻ em nên có các
cơ hội để khám phá, quan sát, tham gia, và tái tạo lại trải nghiệm: thêm vào, thay đổi hoặc kết hợp các vật liệu / đồ vật lại với nhau.
9. Vì trẻ được là một
cá thể riêng biệt, trẻ cần có thời gian riêng khám phá chơi một mình. Cũng có lúc bạn muốn cà phê hay lang thang dạo
phố một mình đúng không?
10. Ba loại môi trường chơi có được cân bằng không? Ở ngoài khám phá thiên nhiên là một việc làm
rất nên khuyến khích nhưng cũng nên nhớ trẻ cũng cần có thời gian ở trong
nhà. Môi trường ngoài trời và trong nhà
đều tuyệt vời nhưng nếu thiếu ‘môi trường cảm xúc’ tốt cũng là một sự sai
sót. Giống như được đi chơi là vui,
nhưng được đi với bố mẹ cảm xúc phải khác hơn là chỉ được đi với bà con, đúng
không?
Bây giờ thì hãy ra khỏi nhà và cùng vui với những đứa con tuyệt vời của
mình nào!
Chúc hạnh phúc và… hãy tạo ra nhiều nhiều và thật nhiều kỉ niệm vui! Bạn là người thầy thứ nhất của con và bạn được
trao quyền ‘nhào nặn’ người thầy thứ 3 của con đấy!
15.10.2015
(Mùa
thu Canada đã thật sự bắt đầu.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét