Nguyễn
Trần Nghi Tuệ
Những
tháng hè, ba mẹ tất bật xuôi ngược tìm trường cho con. Có cả một danh sách dài các tiêu chí mà ngôi
trường tương lai của con cần phải đạt được.
Nào là địa điểm tiện lợi cho việc đưa đón, rồi thì cơ sở hạ tầng phòng ốc
sạch sẽ, phòng chức năng đầy đủ, kế tiếp phải là chương trình dạy với triết lí
giáo dục thuyết phục, sau đó cảm nhận của bạn về cô giáo, ban giám hiệu nhà trường
có chuyên nghiệp, thương trẻ như thương con không, v.v.. Ai đã tìm trường cho
con thì biết được nỗi gian nan, nhọc nhằn mà các ông bố bà mẹ phải trải
qua. Tìm trường cho con có thể đánh đồng
với bao nhiệm vụ cao cả khác như nhớ lịch tiêm chủng, cân bằng bữa ăn, v.v.. mà
bố mẹ phải làm cho con mình. Cái thở
phào nhẹ nhõm, mãn nguyện với chọn lựa của mình hẳn đã theo vào bữa tối, làm
không khí gia đình ấm cúng hơn.
Bố mẹ
quan sát và thấy rằng:
· - Con thành công với việc làm quen với trường mới,
bạn mới, cô thầy giáo mới… mỗi sáng chia tay bố mẹ với nụ cười ngoác mang tai
· - Con đi học về bi ba bi bô kể chuyện trường lớp không
ngừng
· - Cô thầy giáo thương trẻ, tận tâm với nghề, chăm
chỉ sáng tạo các hoạt động mới mỗi ngày, và bạn được cập nhật thường xuyên thông
qua trang web của trường
· - Trường rất chuyên nghiệp cung cấp cho bạn đầy đủ
thông tin về chương trình học và luôn lắng nghe, cố gắng đáp ứng nhu cầu của mỗi
phụ huynh
Những
biểu hiện trên giúp bố mẹ yên tâm là mình đã chọn trường phù hợp cho con. Cái
mà tôi muốn bàn ở đây là làm sao chúng ta phân biệt giữa học và học hiệu quả. Trẻ em đến trường là đã đươc học. Dù có ở trong môi trường không lí tưởng lắm,
giáo viên chưa đạt danh hiệu Giáo viên dạy
giỏi, trường chưa phải là trường điểm… nhưng ta không thể chối cãi là trẻ vẫn
đang học đấy thôi. Cái đích chúng ta phải
đến là ‘học hiệu quả’ thay vì chỉ ‘học’.
Vậy các dấu hiệu nào cho ta biết trẻ ‘học hiệu quả’?
Vui chơi và khám phá; học tập tích cực; sáng tạo và suy ngẫm là những gì nên diễn ra khi trẻ tương tác với
mọi người và môi trường xung quanh. Ba đặc
điểm này được hiện diện trong quá trình học và phát triển ở mỗi trẻ, xuyên suốt
các lĩnh vực phát triển khác nhau. Chúng
được ví như kim chỉ nam giúp ta nhận biết và đánh giá việc học của trẻ có hiệu
quả không. Theo chương trình Mầm non Anh
Quốc, quá trình phát triển của trẻ từ lúc mới lọt lòng cho đến hết 5 tuổi chia
ra làm 7 lĩnh vực học và phát triển. Phát triển cá nhân, ý thức xã hội và tình cảm;
Giao tiếp và ngôn ngữ; Phát triển thể chất; Văn học; Toán học; Hiểu biết thế giới;
và Nghệ thuật biểu hiện và thiết kế là
7 lĩnh vực học và phát triển sẽ được trình bày lần lượt trong các bài viết
sau. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ sơ lược 3 đặc
điểm nhận biết học hiệu quả dưới hình thức tự đánh giá và tự trắc nghiệm để
giúp chúng ta dễ dàng nhận ra và liên tưởng đến chúng.
Đặc điểm 1:
Vui chơi và khám phá – Tham gia
Tìm hiểu và khám phá: Trẻ có
·
Tò mò về mọi thứ xung quanh như đồ vật, sự việc,
và con người?
·
Sử dụng các giác quan để khám phá thế giới xung
quanh?
·
Tham gia các hoạt động mở?
·
Thể hiện sự thích thú cụ thể chứ không nói chung
chung?
Tự tin với những gì trẻ biết: Trẻ có
·
Chọn chơi với những vật quen thuộc không?
·
Thể hiện những trải nghiệm của mình qua các trò
chơi?
·
Tưởng tượng và nhập vai khi chơi?
·
Lôi cuốn người khác vào trò chơi của mình?
Sẵn sàng để thử nghiệm: Trẻ có
·
Khởi xướng các trò chơi?
·
Tìm kiếm những thử thách?
·
Thái độ tích cực luôn tự tin vào khả năng bản thân?
·
Chấp nhận mạo hiểm, tham gia vào những trải nghiệm
mới và rút ra kinh nghiệm từ các thử nghiệm?
Đặc điểm 2:
Học tập tích cực – Động lực
Tham gia và tập trung: Trẻ có
·
Duy trì sự tập trung khi tham gia hoạt động?
·
Thể hiện cao độ niềm đam mê và đầy năng lượng?
·
Khó bị phân tâm?
·
Chú ý đến từng chi tiết?
Cố gắng kiên trì: Trẻ có
·
Kiên trì ngay cả khi gặp phải thách thức?
·
Thể hiện niềm tin rằng ‘có công mài sắt có ngày
nên kim’?
·
Lấy lại tinh thần để thử lại sau khi thất bại?
Hài lòng khi làm được điều mình muốn: Trẻ có
·
Thể hiện sự hài lòng khi trẻ đạt được mục đích tự
đặt cho mình?
·
Tự hào vui thích khi thực hiện một điều gì đó,
chứ không chỉ thích thú với kết quả cuối cùng?
·
Tìm thấy niềm vui cho chính mình khi vượt qua thách
thức chứ không phải làm để mong đợi người khác khen hay để được thưởng?
Đặc điểm 3:
Sáng tạo và suy ngẫm – Tư duy
Có chủ kiến riêng: Trẻ có
·
Nghĩ ra các ý tưởng?
·
Tìm cách để giải quyết các vấn đề?
·
Sáng tạo ra cách mới để thực hiện các vấn đề?
Kết nối trải nghiệm: Trẻ có
·
Nhận ra các mối tương quan và kết nối chúng với
nhau?
·
Đưa ra các dự đoán?
·
Kiểm tra, xác minh lại kết quả?
· Hứng thú tìm hiểu về xếp nhóm, trình tự, nguyên
nhân và hiệu quả của các sự việc xảy ra xung quanh?
Chọn lựa cách tiếp cận vấn đề phù hợp: Trẻ có
Lập kế hoạch, đưa ra các quyết định về việc làm
thế nào để tiếp cận một nhiệm vụ, giải quyết một vấn đề và đạt được mục tiêu?
Biết tự xem xét, đánh giá và giám sát công việc
của mình không?
Biết thay đổi chiến lược khi cần thiết?
Xin chúc mừng những bố mẹ nào đã bắt gặp các đặc điểm trên ở con của bạn!
Nếu bố mẹ nào chưa thể ‘tick’ được nhiều thì xin đừng lo lắng bởi vì Học tích cực
là một thói quen. Mà thói quen thì được
hình thành và củng cố trong một thời gian dài.
Khi thói quen mới hình thành, trẻ có lúc nhớ lúc quen. Khi đã hình thành sau một thời gian dài, cộng
với sự khen ngợi và khuyến khích kịp thời, thói quen sẽ ăn sâu vào tiềm thức và
trở thành một phần của trẻ.
Theo nghiên cứu, sự thành công ở trẻ tỉ lệ thuận với thái độ mong muốn
khám phá và chấp nhận rủi ro. Tự bản
thân trẻ sinh ra với thái độ mong muốn tích cực này hay có tác động nào giúp trẻ? Xin thưa, trẻ em được sinh ra đã sẵn sàng, có khả năng và hứng thú học hỏi. Chúng luôn muốn tiếp cận để tương tác với người
khác và với thế giới xung quanh. Phát
triển là một quá trình tự động nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi
cá thể có cơ hội để tương tác trong những mối “quan hệ tích cực” và “môi trường
thuận lợi”. Hai yếu tố ‘quan hệ tích cực’ và ‘môi trường thuận lợi’ thúc đẩy
nuôi dưỡng trẻ có động lực để tham gia vào các hoạt động và tư duy suy ngẫm kết
nối các trải nghiệm của mình thành những chuỗi thông tin có ý nghĩa. Từ đây hình thành thói quen Học tích cực mà
chúng ta vừa tìm hiểu ở trên.
Tôi
luôn tin rằng trẻ em sinh ra với mong muốn khám phá, học hỏi và luôn đầy nhiệt
huyết tiếp cận với cái mới. Tôi đã chứng
kiến rất nhiều lần cảnh các bé mắt long lanh đầy phấn khởi xin tham gia vào một
hoạt động nào đó, hay xin được phép làm việc gì đó mà chắc mỗi ngày bé không được
làm. Mới đây nhất, ở một siêu thị gần
nơi tôi đang ở, thành phố Brampton Canada,
tôi thấy một bé trai khoảng 5-6 tuổi cùng mẹ đợi ai đấy ở sảnh siêu thị. Lúc đầu bé ngoan ngoãn ngồi đợi. Được ít phút bé tiến lại gần cửa khám phá cái
gì ở đó. Từ xa, tôi thấy bé săm soi, dùng
ngón tay di tới di lui cái gì đấy trên cửa kính. Mẹ bé luôn miệng kêu réo bắt bé quay lại ghế
ngồi. Một lát sau, hai mẹ con rời khỏi sảnh
siêu thị mà tiếng làu bàu, càm ràm của người mẹ vẫn còn vẳng lại phía sau. Tôi đi ngang qua và không thể cưỡng lại sự tò
mò muốn xem cái gì ở khung cửa kính đã
lôi cuốn cậu bé trai nhiều thế. Các bạn
biết tôi phát hiện gì không? Nhiều hàng
chữ, như những hàng chữ mình thấy trong vở tập viết vậy. Thì ra, khi áp mặt mình vào cửa kính để nhìn
ra ngoài, cậu bé đã vô tình phát hiện ra lớp sương mờ, và khi chạm vào cậu đã
có thể sử dụng như bảng viết. Tôi đoán
là ở trường, cậu đang được cô thầy dạy viết chữ, thế là lấy ra thực hành
luôn. Vậy câu chuyện này có liên quan gì
đến hai yếu tố "quan hệ tích cực" và "môi trường thuận lợi"
tôi vừa đề cập ở trên?
Ở ví
dụ này, "Quan hệ tích cực" là lòng tin. Nếu quan hệ giữa mẹ và cậu bé này gần gũi và
tin cậy, tôi chắc rằng người mẹ sau khi nhắc con quay lại mà con vẫn không
nghe, sẽ đứng dậy đến gần tìm hiểu vì người mẹ luôn vững tin rằng, con mình, phải
có lí do nào đó mới 'chống' lại lời mẹ, thay vì mặc định là con đang bướng, đang
muốn cãi lời. Càng tưởng tượng cảnh cậu
bé sung sướng hãnh diện chỉ cho mẹ thấy phát hiện mới của mình, tôi càng tiếc
cho người mẹ đã đánh mất một cơ hội tốt để hiểu con mình. Tiếc hơn nữa, đây có thể đã là cơ hội để củng
cố 'quan hệ tích cực' giữa mẹ và con.
Còn
yếu tố 'môi trường thuận lợi" đóng vai trò như thế nào để cậu bé đáng yêu
này hình thành thói quen 'học tích cực'?
Với câu chuyện trên, kết quả có hậu là sau khi biết được con đang làm
gì, người mẹ đã cùng con hà hơi và dùng ngón tay vẽ lên cửa kính. Dĩ nhiên là trong phạm vi thời gian cho phép
chứ đang vội thì có thời gian đâu mà cùng ‘chơi’. Nên điều này có thể kéo dài 1 phút hay vài chục
phút, tuỳ tình hình hiện tại. Hành động
ngừng lại để cùng chơi với khám phá mới này của con đồng nghĩa là bạn đang gửi
thông điệp đến cho con 'Mẹ tự hào về phát hiện thông minh của con đấy. Mẹ cũng thấy thú vị và muốn cùng còn cảm nhận
trải nghiệm này!” Đây là thực hành – Đi
vào thế giới của trẻ, một trong 5 ý dưới chủ đề 'Người lớn giúp trẻ học như thế
nào?” mà tôi có liệt kê ở trên. Tất cả
các bài viết về sau của tôi sẽ xoay quanh 5 ý này, nhằm chia sẻ các kinh nghiệm
mà tôi có được khi làm mẹ, làm cô giáo, và trên hết, kinh nghiệm làm bạn của trẻ.
Khi
về đến nhà, ngay lập tức hoặc trong mấy ngày tới, người mẹ có thể cho phép con
thử nghiệm trên cái gương trang điểm của mình chẳng hạn. Nếu cậu bé tiếp tục hứng thú với khám phá mới
này, mẹ có thể cùng bé lên mạng tìm hiểu thông tin lí giải cho hiện tượng hơi
thở làm mờ gương như thế nào v.v.. Đấy
đã là một cách bạn tạo ra 'môi trường thuận lợi', để trẻ tự tin khám phá tìm
tòi thế giới xung quanh của mình mà không cảm thấy sợ hãi là mình đang làm điều
gì sai, làm điều gì khác với ngày thường.
Được nuôi dạy và lớn lên giữa các mối ‘quan hệ tích cực’ và 'môi trường
thuận lợi', trẻ em sẽ trở nên tự tin, ham học hỏi và luôn chia sẻ, gần gũi với
bố mẹ. 'Quan hệ tích cực' phải đươc xây
dựng từ khi còn bé chứ không thể đợi đến khi trẻ lớn, lúc đấy bạn mới gõ cửa dặn
dò 'Giờ con lớn rồi, nhiều điều mới đang xảy ra xung quanh con, có gì không hiểu
thì chia sẻ với mẹ nhé!" và hi vọng chỉ với câu nói đó, các con sẽ thổ lộ
tâm tư cho mình biết.
Ví dụ
trên giúp cho bố mẹ hiểu thêm về khái niệm ‘quan hệ tích cực’ và ‘môi trường
thuận lợi’. Tôi hi vọng sẽ có cơ hội viết
một bài riêng, phân tích sâu và đưa ra các hướng dẫn chi tiết giúp cho bố mẹ
trang bị cho mình kĩ năng tạo ra ‘quan hệ tích cực’ và cung cấp ‘môi trường thuận
lợi’ cho con của mình.
Quá
trình học hỏi và phát triển của trẻ có mối tương quan mật thiết với các mối
quan hệ trong gia đình, xã hội và với môi trường quanh trẻ. Mỗi đứa trẻ có một mối tương quan riêng biệt,
không giống đứa trẻ nào khác. Sự ‘duy nhất’
này phản ảnh văn hoá, giá trị của cộng đồng bố mẹ chọn cho trẻ được tiếp cận mỗi
ngày.
Một
môi trường luôn để trẻ là trọng tâm của việc học, giáo viên và nhà trường chỉ
đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, sẽ tạo ra một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo, biết
tiếp cận vấn đề một cách khoa học và yêu khám phá. Đấy không phải là những gì
các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở nhân viên của mình sao? Hay ngược lại, nhân viên
nào lại không thích có sếp tài năng như thế.
Học
tích cực sẽ là con đường đặt nền tảng cho sự thành công của con bạn. Thế giới công nghệ ngày càng phát triển sẽ
giúp cho mọi thành phần xã hội tiếp cận với thông tin (kiến thức) một cách dễ
dàng hơn. “Học’ sẽ cung cấp cho trẻ kiến thức nhưng ‘học tích cực’ sẽ cho trẻ kĩ
năng tiếp cận vấn đề, bao gồm việc tìm kiếm và học thuộc một kiến thức nào đó.
5.10.2015
(World
teacher day!)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét