Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

BẠN CÓ DÁM ĐỂ CHO TRẺ LÀM SAI?

Tôi đọc được tâm sự của một bạn trẻ như thế này:

‘Bạn sợ nhất điều gì trong cuộc sống?
Với tôi, có một nỗi sợ vô hình, được hình thành từ khi tôi biết nhận thức cho đến khi tôi trưởng thành, đó là SỢ SAI – SỢ MẮC LỖI.
Khi tôi còn bé, tôi sợ tôi làm sai với điều người lớn nói. Câu cửa miệng của người lớn là “Không được…”. Vì thế, mỗi lần tôi làm trái với cái điều “không được ấy” nghĩa là tôi đã sai. Sẽ luôn có những hệ lụy từ việc tôi làm sai nhẹ thì bị la mắng, “Sao con hư vậy?” “Sao con không biết nghe lời?” nặng thì bị phạt quỳ, phạt úp mặt vào tường, nặng hơn nữa là bị đánh… Vì vậy, cố gắng làm đúng lời người lớn là điều khôn ngoan nhất khi đó tôi có thể. Khi đó, người lớn sẽ nói rằng tôi “NGOAN”.
Khi thực sự trưởng thành, tôi phát hiện ra không chỉ một mình tôi sợ sai. Ba mẹ tôi cũng sợ sai, thầy cô của tôi cũng sợ sai, bạn bè và cả xã hội đều sợ sai. Mọi người tìm cách giấu đi cái sai của mình. Mọi người sợ bị vấp ngã. Mọi người sợ mình khác người.’

Bạn đã bao giờ thấy rằng bản thân mình cũng ít nhiều có nỗi sợ đó? Nhất là thời đi học, khi mà mọi yêu cầu của giáo viên như là mệnh lệnh, chỉ được răm rắp làm đúng và tuân theo chứ đừng dại dột thử nghiệm cái khác rồi lại ‘sai bét’! Chẳng hạn như, giải bài toán có lời văn, nhất thiết phải là lời giải, phép tính và thậm chí ghi đáp số theo mẫu; thế mới gọi là ‘chuẩn’! Cứ như vậy, bao nhiêu con người lớn lên trong nền giáo dục như thế và mang nỗi sợ vô hình như thế!

Có lẽ vì điều này đã hằn sâu vào nếp sống của bao nhiêu thế hệ người Việt mà giờ đây, khi chính chúng ta đã là những bậc cha mẹ, đôi lúc, chúng ta vô tình tạo nên nỗi sợ đó cho con cái mình. Một đứa trẻ giải bài toán bị sai, phản ứng chung của nhiều người sẽ là gì? – ‘Trời ơi! Sai rồi! Sao lại làm như thế? Tẩy đi làm lại ngay!’ hoặc kiểu như ‘Đã bảo là phải làm như thế này mà! Sao không nghe theo hả?’ …

Thay vào đó, thử nghĩ xem, nếu chúng ta phản ứng khác đi một chút, kiểu như ‘Ồ, con đã thử làm cách này, hay đấy! Nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu con kiểm tra lại bài và tìm thêm cách khác!’ thì đứa trẻ sẽ cảm thấy như thế nào? Trẻ sẽ nhận ra rằng công sức và sự cố gắng của bản thân được người khác công nhận. Và một vấn đề sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Nếu sai thì sẽ thử cách khác, ít nhất là mình đã tìm ra một cách không đúng để tránh lặp lại lỗi đó.

Bạn nhỏ này chưa từng thích các môn thể thao bao giờ, nhưng đã không có chọn lựa vì biết trượt băng ở miền lạnh cũng giống như phải biết bơi ở vùng biển. Biết là khó khăn và mặc dù là trải nghiệm mới, không phải là thế mạnh nhưng bạn ấy vẫn cố gắng hết sức mình. Lớp học đầu tiên trôi qua tưởng chừng như ‘dài hơn thế kỉ’; vậy mà bạn ấy vẫn kiên trì đến lớp thứ hai… Sau nhiều lần mắc lỗi, bạn càng tự tin hơn; tiến bộ hơn và cảm thấy thoải mái hơn mặc dù biết rằng mình 'vẫn chưa giỏi'.
Sự nỗ lực và tự tin của bạn nhỏ này thật đáng khen nhỉ? 



Tôi cũng là một người làm trong ngành giáo dục, nhiều lúc thấy học trò mình viết sai lỗi chính tả, tính toán nhầm lẫn, cũng ‘sốt ruột’ lắm, bực bội lắm… nhưng vẫn tự dặn lòng mình hãy để cho các con bị sai, chấp nhận những cái sai một cách nhẹ nhàng để con có thể tự tin và cảm thấy thoải mái với lỗi lầm.

Tôi tin rằng mỗi ông bố, bà mẹ hay bất kể người lớn nào đều có những cách hiệu quả riêng để giáo dục trẻ học tập từ sai lầm. Điều quan trọng là khi con trẻ làm sai, con không sợ sệt, lo lắng, thậm chí là hoảng loạn… mà thay vào đó, con bình tĩnh và tìm cách giải quyết! 

Còn bạn, bạn thường phản ứng như thế nào với trẻ nếu trẻ làm sai? 

                                                                                              ___ TH__ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét