Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

BẠN SỢ NHẤT ĐIỀU GÌ TRONG CUỘC SỐNG NÀY?

Ma ư?
Hay là một con vật hung dữ nào đó?
Hay người xấu – kẻ giết người, kẻ cướp, kẻ trộm?
Với tôi, có một nỗi sợ vô hình, được hình thành từ khi tôi biết nhận thức cho đến khi tôi trưởng thành, đó là SỢ SAI – SỢ MẮC LỖI.

Khi tôi còn bé, tôi sợ tôi làm sai với điều người lớn nói. Câu cửa miệng của người lớn là “Không được…”. Vì thế, mỗi lần tôi làm trái với cái điều “không được ấy” nghĩa là tôi đã sai. Sẽ luôn có những hệ lụy từ việc tôi làm sai nhẹ thì bị la mắng, “Sao con hư vậy?” “Sao con không biết nghe lời?” nặng thì bị phạt quỳ, phạt úp mặt vào tường, nặng hơn nữa là bị đánh. Hồi ấy, tôi còn bé, tôi không hiểu vì sao mình không được nói thế này, không được làm thế nọ nhưng tôi biết khi làm sai tôi sẽ bị những gì. Và trẻ con như tôi sẽ không bao giờ dám hỏi “Vì sao?” bởi câu trả lời luôn là “Sao hỏi nhiều thế?”. Vì vậy, cố gắng làm đúng lời người lớn là điều khôn ngoan nhất khi đó tôi có thể. Khi đó, người lớn sẽ nói rằng tôi “NGOAN”.

Khi tôi đi học, tôi biết khi làm sai còn nhiều điều khủng khiếp hơn chờ đợi tôi. Ngày ấy, lớp một, tôi viết chữ xấu kinh khủng. Mỗi lần tôi viết sai, viết xấu là tôi lại lén lút nhìn cây thước gỗ trong tay cô giáo tôi. Dù rằng cô đánh không quá đau, nhưng trẻ con thì luôn sợ bị đòn. Đau không phải là khi cây thước chạm vào tay mà đau là khi phải chờ đợi, phải lo sợ rằng cô giáo sẽ đánh mình bằng cây thước ấy. Nhưng tôi luôn luôn mắc lỗi, luôn luôn viết sai, luôn luôn có vết lem lấm trong vở. Tôi không biết phải làm thế nào mới viết sạch, viết đẹp, tôi không hiểu sao lại cần viết sạch viết đẹp, không ai chỉ cho tôi làm cách nào để không làm lấm mực ra vở, hay làm cách nào để không viết sai. Mỗi khi tôi làm sai, tôi sẽ bị nêu tên trước lớp, bị chê cười “Cả lớp hãy xem cách làm của bạn này, cô đã nói bao nhiêu lần rồi mà vẫn làm sai, các bạn khác không được như vậy nghe chưa?” hoặc “Sao em mãi không tiến bộ vậy, não em làm bằng cái gì vậy hả?”. Tôi có anh chị, và điều tồi tệ hơn tôi sẽ được nghe là “Sao anh chị em học giỏi vậy mà em thì…?”.

Hết tiểu học, lên cấp hai, tôi là một hình mẫu của học sinh ngoan. Đồng phục đầy đủ, đi học đúng giờ, chép bài đầy đủ, giơ tay khi thầy cô hỏi, học thuộc bài trước khi đến lớp - nhìn từ bên ngoài tôi là một hình mẫu thành công của giáo dục. Tôi, giống như tất cả các học sinh ngoan khác, không có gì khác biệt. Tôi, là một cái bánh, như rất nhiều cái bánh khác, được đúc ra từ một chiếc khuôn giống nhau. Và chúng tôi luôn luôn sợ sai. Vì sợ sai chúng tôi không bao giờ tranh cãi hay nêu ý kiến với thầy cô mình. Thầy cô luôn luôn đúng – kể cả khi họ sai. Tôi luôn lo sợ giải sai một bài toán, viết sai một câu văn. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy mình thật xuẩn ngốc, thật đáng chê cười. Tôi hoặc không làm sai, hoặc tìm mọi cách giấu đi cái sai của mình. Tôi sống trong một áp lực, sợ sai, sợ bị chê cười, sợ bị phạt. Tôi giấu đi những mong muốn của bản thân nếu điều đó đi ngược lại điều thầy cô và ba mẹ tôi mong muốn – vì như vậy là sai.

Lên cấp ba, nỗi sợ ấy càng lớn hơn bao giờ hết. Có một gánh nặng đặt lên vai tôi, không bao giờ được làm sai vì nếu sai ba mẹ sẽ buồn, mọi người sẽ chê cười không chỉ một mình tôi mà cả gia đình tôi. Thế là như bao nhiêu học sinh khác, tôi gồng mình lên học sao cho “toàn diện” tất cả các môn, hành xử sao cho thật là “ngoan”. Rồi tôi sợ thất bại, mỗi lần không được danh hiệu này, danh hiệu nọ tôi cảm thấy bản thân mình không có một chút thông minh hay tài năng nào cả. Hồi ấy, tôi học không tốt các môn tự nhiên, nhưng các thầy cô và ba mẹ tôi và tất cả mọi người thì đánh giá rất cao các môn học này. Tôi luôn cảm thấy căng thẳng trong giờ toán, tôi sợ bị gọi lên bảng giải bài tập, sợ các giờ kiểm tra môn toán, sợ phải trả lời câu hỏi của thầy cô toán trong giờ học. Đơn giản vì tôi thường sai, sai thì tôi sẽ bị mắng, bị điểm kém. Kết quả không cao nghĩa là thất bại. Tôi sống trong mặc cảm của một đứa thất bại suốt những năm trung học. Và không chỉ một mình tôi là một kẻ thất bại!

Khi thực sự trưởng thành, tôi phát hiện ra không chỉ một mình tôi sợ sai. Ba mẹ tôi cũng sợ sai, thầy cô của tôi cũng sợ sai, bạn bè và cả xã hội đều sợ sai. Mọi người tìm cách giấu đi cái sai của mình. Mọi người sợ bị vấp ngã. Mọi người sợ mình khác người.

Những đứa trẻ thế hệ sau cũng giống như tôi, sống trong nỗi sợ hãi rằng “có phải mình đã sai?” “mọi người sẽ chê cười mình nếu mình sai”. Chúng tôi sống rụt đầu, rụt cổ. Chúng tôi không bao giờ đưa ý kiến. Chúng tôi không bao giờ bảo vệ hay đứng về số ít. Chúng tôi không dám vấp ngã, không dám chớp lấy cơ hội vì sợ rằng sẽ thất bại. Chúng tôi chọn con đường an toàn trong cuộc đời vì đó là con đường không sai, con đường ai cũng tán thành. Chúng tôi đánh mất tự tin vào bản thân. Chúng tôi không khám phá điều mới. Chúng tôi bước theo những lối mòn. Chúng tôi không tiếp nhận điều gì đó khác với mẫu số chung.

Rồi có lẽ, chúng tôi lại giáo dục cho con cái của chúng tôi những điều chúng tôi đã được dạy rằng “KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SAI”.

Liệu rằng điều chúng tôi đã và đang làm là cách giáo dục đúng đắn?

Một đứa trẻ sẽ phát triển như thế nào nếu nó không bao giờ hoài nghi?
                                                         
                                                                                                              Nghé Con
                                                                                                           Tháng 10, 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét