Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

QUAN HỆ TÍCH CỰC - NGƯỜI LỚN CÓ THỂ LÀM GÌ

                           
                                                                                                                      
                                                                                             Nguyễn Trần Nghi Tuệ


Trong bài 1, Học hiệu quả - dấu hiệu nhận biết (vào đây xem bài đăng ngày 6 tháng 10 nếu bạn chưa đọc www.facebook.com/nguyentrannghitue), tôi có đề cập sơ qua đến hai khái niệm ‘quan hệ tích cực’ và ‘môi trường thuận lợi’.  Tôi đã viết như sau:  Trẻ em được sinh ra đã sẵn sàng, có khả năng và hứng thú học hỏi.  Chúng luôn muốn tiếp cận để tương tác với người khác và với thế giới xung quanh.  Phát triển là một quá trình tự động nhưng phát triển tích cực lại phụ thuộc vào mỗi cá thể có cơ hội để tương tác trong những mối “quan hệ tích cực” và “môi trường thuận lợi”.  Tôi có đưa ra ví dụ để giúp quý vị hiểu hai khái niệm này được áp dụng như thế nào trong một tình huống cụ thể.  Qua đó tôi hi vọng chúng không phải chỉ là 2 khái niệm sáo rỗng, khô khan, đọc một lần rồi theo gió bay mất, mà khi tương tác với con trẻ, chúng có thể là mũi tên dẫn lối rõ ràng hơn.

Bây giờ có mũi tên dẫn lối, ta biết nhắm hướng nào để đi, chứ không bắt gặp mình đứng giữa ngã 3 đường, dợm bước bên này rồi thấy sao vắng vẻ quá nên cuối cùng chọn phía đông đúc cho đỡ sợ.  Sau khi đọc bài 1, tôi tin rằng mọi người hiểu ra được tầm quan trọng của việc tạo dựng mối quan hệ tích cực với trẻ cũng như môi trường thuận lợi đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ.  Biết đường để đi, nhưng bước đi thế nào, khi nào sải chân, khi nào bước ngắn, khi nào nên dừng lại nhấn nhá đôi chút, v.v.. là những gì tôi muốn chia sẻ trong bài này, xin lấy tựa là:  Quan hệ tích cực – Người lớn có thể làm gì cho con thân yêu của mình?  Hãy đọc ví dụ Dự án trồng rừng rồi ta cùng nhau phân tích nhé.

Con:  Ba ơi ba chơi với con đi?
Ba:  Ừ, để ba cất cái này qua một bên rồi mình cùng chơi nè.  Rồi, chơi cái gì nào con yêu?
Con:  Con muốn mình chơi trò trồng cây đi Ba!
Ba:   Ba thấy ý tưởng hay đó, nhưng sao con lại thích chơi trò này?
Con: Con qua nhà Ông Nội thấy Ông hay mua cây trồng trên sân thượng, nhiều cây lắm và ở trường hôm qua con cũng thấy Cô giáo đem một cái cây vào để trên bàn làm việc của Cô đó Ba.
Ba:  Ồ thế à.  Ba rất thích cách con để ý đến mọi việc xảy ra xung quanh mình đấy.  Không có gì qua được con mắt con gái Ba hết nha…!  Vậy bây giờ mình bắt đầu sao nè?
Con:  Thì mình đi lượm mấy cái cành về giả bộ làm cây.  Mình cần nhiều vì con muốn làm cái vườn to.
Ba:  Vườn càng to thì cần càng nhiều cây đấy.  Ba rất muốn ra ngoài nhặt cành cây với con nhưng trời sắp tối mất rồi, không biết mình có thể dùng vật gì trong nhà được không con?
Con:  Nhà mình làm gì có vật giống cái cây…
Ba:  Thì mình tìm cái gì đó dài dài cắm xuống giả bộ làm cây, như vậy có được không?
Con:  Vậy để con chạy xuống bếp hỏi Mẹ cho con mượn đũa, mình cắm xuống làm rừng luôn, không làm vườn nữa hi hi hi… (chạy đi đem về 1 nắm đũa).
Ba:   Nào mình bắt đầu nè.  À, Ba có môt vấn đề cần con giúp.  Nếu mình sử dụng hết bó đũa này, chút nữa ăn tối nhà mình lấy đũa đâu mà ăn?  Vậy phải giải quyết sao đây?
Con:  Ừ ha.  Con muốn sau khi làm xong, con giữ đến mai đem qua nhà Ông Nội cho Ông xem có giống vườn của Ông không.  Vậy mình tìm cái khác hen Ba.  Hơi bị khó vì con có thấy vật gì có thể cắm xuống đâu ta.  Nhà mình đâu có gì đâu.
Ba: Mẹ vừa gọi, Ba chạy xuống bếp giúp Mẹ tí.  Nhà mình nhiều thứ thế, chắc con sẽ nghĩ ra thôi. 
Ba (quay lại sau 5 phút và vẫn thấy con ngồi suy nghĩ):  Con hãy đi một vòng quanh nhà xem có tìm được vật gì làm cây không nhé?
Con:  Con tìm được rồi nè! (Con khệ nệ bê cái rỗ dựng đầy bút chì màu)
Ba:  Ba biết thế nào con cũng nghĩ ra mà.  Giờ mình cần thêm gì để bắt đầu dự án trồng rừng của hai ba con mình đây nhỉ?
Con:…
Ba:….
Con:…
Ba:…

(Hai cha con hoàn thành dự án ‘trồng rừng’.  Lúc đầu chỉ sử dụng viết chì màu, sau đó thêm vào bút lông, rồi sau đó bút chì, bút mực, cả cục tẩy v.v..  Nhiều cây được trồng gần nhau, hai ba cây chụm lại một nhưng lại có những cây trồng cách xa nhau.  Rồi có cây cao cây thấp vì con bảo cây cũng giống như người, có người nhỏ người to.  Con còn lấy dây len giả bộ là dây leo vì ‘rừng phải rậm rạp chứ không như vườn nhà Nội được ba à’.)
Con:  Cây cao nhất nhất chắc cao hơn nhà mình ba nhỉ?
Ba: Câu hỏi này của con làm Ba ‘bí’ rồi vì Ba cũng không biết cây cao nhất được ghi chép là cao bao nhiêu.  Câu hỏi này thú vị đấy, đáng để mình tìm hiểu thêm trong tuần này nhé.  Bây giờ mình đi rửa tay ăn tối thôi.  Hôm nay chơi vui ghê!

Đọc là thấy ngay hai bố con này đã tạo dựng được một ‘quan hệ tích cực’. Dễ thương quá phải không mọi người! Tôi đã rất sung sướng khi trực tiếp chứng kiến câu chuyện ấy.  Bây giờ đánh máy kể lại vẫn còn lâng lâng.  Vô cùng tự hào khi biết một ông bố như vậy và tin chắc còn có nhiều nhiều ông bố bà mẹ tuyệt vời hơn thế nữa. 

Vậy ông bố này tuyệt vời ở chỗ nào?  Các thực hành nào ở ví dụ trên đáng để ta học hỏi, để ta củng cố những gì mình biết về tạo dựng ‘quan hệ tích cực’?  Tôi sẽ liệt kê các dấu hiệu cho thấy người lớn đang có các thực hành đúng, góp phần tạo dựng ‘quan hệ tích cực’ với con trẻ.  Để có sự nhất quán và liền mạch giữa bài viết này và bài viết trước, tôi sẽ triển khai các ý của bài này dưới 3 đặc điểm nhận biết học hiệu quả đã được liệt kê ở bài 1.  Như vậy sẽ giúp quý vị hệ thống hoá các thông tin một cách đơn giản.  Tôi cũng sẽ sử dụng hình thức tự đánh giá và tự trắc nghiệm để chúng ta cùng nhau chúc mừng những điều tuyệt vời mình đã làm cho những đứa con thân yêu nhé.   

Đặc điểm 1:  Vui chơi và khám phá – Tham gia
Người lớn có…
·         Khuyến khích trẻ khám phá?
·         Giúp trẻ chỉ khi cần thiết?
·         Tham gia chơi cùng trẻ?
·         Khuyến khích trẻ thử những hoạt động mới?
·         Quan sát chú ý cách trẻ tham gia vào các hoạt động?

Đặc điểm 2:  Học tập tích cực – Động lực
Người lớn có…
·         Hỗ trợ trẻ chọn hoạt động?
·         Kích thích sự thích thú của trẻ bằng việc quan tâm chia sẻ?
·         Khuyến khích trẻ nói về quá trình thực hiện hoạt động?
·         Khen trẻ?
·         Động viên trẻ học tập lẫn nhau và từ những người khác?

Đặc điểm 3:  Sáng tạo và suy ngẫm – Tư duy
Người lớn có…
·         Khuyến khích tư duy mở?
·         Luôn tôn trọng những nỗ lực và ý kiến của trẻ?
·         Cho thời gian suy nghĩ thay vì đòi hỏi trẻ xử lý thong tin và đưa ra câu trả lời ngay?
·         Trò chuyện cùng trẻ?
·         Để cho trẻ thấy bạn cũng có lúc ‘bí’, không có câu trả lời cho câu hỏi của trẻ?

Áp dụng những gạch đầu dòng ở trên vào ví dụ ‘Dự án trồng rừng’, tôi thấy ông bố đã có các thực hành giúp xây dựng mối quan hệ tích cực như sau:
·         Tham gia chơi cùng trẻ.  Quan trọng hơn là ông bố này chơi trò của trẻ đề xuất ra.  Không những vậy, người bố này còn tham gia tích cực vào trò chơi, như một người bạn nhí của con.
·         Giúp trẻ chỉ khi cần thiết.  Người bố không làm hộ hay chỉ đạo con làm theo cách của mình, lúc nào cũng triển khai từ các ý của con.  Anh đã khéo léo đặt câu hỏi mở, giúp trẻ tự phát hiện ra vấn đề rồi sau đó tự đưa ra hướng giải quyết theo cách rất riêng của mình.
·         Khuyến khích tư duy mở.  Người bố làm việc này rất thành công bằng việc không thoả mãn ngay với những ý tưởng đầu tiên mà trẻ đưa ra. 
·         Cho thời gian suy nghĩ.  Đôi lúc người lớn hỏi rồi tự trả lời luôn hoặc là trẻ chưa kịp có thời gian suy nghĩ thì mình đã hỏi câu tiếp theo. Người bố cho con thêm thời gian để tìm ra giải pháp cho vấn đề đang gặp phải.  Vấn đề khó thì thời gian dài hơn một chút, và kèm thêm gợi ý ‘con đi một vòng quanh nhà xem sao?’
·         Khen trẻ.  Đây là một nghệ thuật mà tôi cho là khó học nhất nhưng khi thực hành đúng thì hiệu quả vô cùng. Làm sao lời khen của mình không sáo rỗng và chung chung.  Người bố đã vừa khen vừa khích lệ trẻ. Anh đã cụ thể hoá khi khen con, không chỉ khen khi con ‘thành công’ mà đã khen cả những cố gắng, nỗ lực và sự kiên trì giải quyết vấn đề của con.
·         Luôn tôn trọng những nỗ lực và ý kiến của trẻ.  Ông bố làm rất tốt điều này, như vậy, đứa bé cảm thấy an tâm ‘mạo hiểm’ chia sẻ các ý tưởng, hay đưa ra các câu trả lời của mình.  Qua đây, anh ấy khuyến khích sự không ‘rập khuôn’.
·         Không ai biết tất cả.  Người bố đã cho bé thấy anh không phải lúc nào cũng có câu trả lời cho mọi thứ và chuyện đấy không có gì đáng chê trách.  Chỉ đáng chê trách nếu mình không biết mà lại không tìm hiểu.  Hai cha con chắc rằng đã tìm thông tin xem cây cao nhất được ghi nhận là cao bao nhiêu từ Ông Google chẳng hạn.

Tôi chắc rằng vẫn còn rất nhiều thực hành hay mà tôi chưa phân tích tới trong ví dụ ‘Dự án trồng rừng’ này.  Đọc xong các phân tích, cảm giác thật tuyệt vời khi thấy mình đã làm được bao điều cho con trẻ phải không quý vị?  Có người sẽ tự nhủ ‘Ồ, lúc xưa mình có làm vậy nhưng sau này bận quá nên không làm được thường xuyên lắm thôi!’ hay ‘Ừ thì mình biết là nên làm nhưng chưa thể thực hành chưa được nhiều’. Quý vị tick nhiều hay chỉ tick được vài cái ở trên đều đáng khen bởi Quý vị đã là người lớn có trách nhiệm. Tôi tin rằng ai cũng có mong muốn mãnh liệt tạo dựng mối quan hệ tích cực với con, với cháu, với học trò của mình.  Làm được nhiều hay ít chưa chắc là điều quan trọng nhất cần để ý đến, mà mong muốn được làm tốt hơn những gì mình đang làm mới là điều đáng được ghi nhận và hoan nghênh. Vậy hãy bắt đầu từ những thực hành nhỏ nhất qua ví dụ trên nhé.  Chúc mọi người thành công và có được nhiều niềm vui, sự thú vị khi tạo dựng mối quan hệ tích cực với con mình, cháu mình, hay học trò của mình.  Quan hệ có tích cực thì quá trình dẫn dắt, hướng trẻ theo điều hay, điều tốt mới dễ dàng và có được sự tham gia, hợp tác của trẻ.

Hẹn mọi người ở bài 3 để chúng ta tiếp tục chia sẻ, tìm hiểu sâu về Môi trường thuận lợi – tạo ra nó như thế nào? 

                                                                                     12.10.2015
                                                                            (Happy Thanskgiving Day)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét