Cùng nhau chia sẻ

Cùng nhau chia sẻ

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

GIÚP CON PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

Những năm đầu đời được ví như chìa khóa vàng để trẻ sử dụng và mở cánh cửa Ngôn ngữ. Trẻ tiếp cận ngôn ngữ thông qua nhiều hình thức, cơ hội, trò chơi, tương tác hằng ngày, trải nghiệm… Người lớn, bằng nhiều cách khác nhau, giúp trẻ học và sử dụng tốt ngôn ngữ và các kĩ năng liên quan. 
Không nhất thiết phải là các chuyên gia ngôn ngữ thì bạn mới dạy được con học tốt một ngôn ngữ. Chỉ cần bạn dành thời gian tương tác với con và có những ‘thủ thuật’ nho nhỏ, bạn sẽ tạo ra một môi trường tuyệt vời và lí tưởng để giúp con phát triển ngôn ngữ rồi đấy! Xin hãy tham khảo một vài gợi ý đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất hiệu quả dưới đây nhé!

Tấm gương mẫu mực cho con 
Bạn muốn con có vốn từ phong phú, sử dụng từ ngữ phù hợp … thì chính bạn nên như thế trước! Bởi một khía cạnh quan trọng của việc học ngôn ngữ là nghe. Con học các từ mới, các cách nói mới qua việc nghe và tiếp nhận ngôn ngữ hằng ngày. Vì thế, nếu bạn nói rõ ràng, tốc độ vừa phải, từ ngữ đa dạng… thì con sẽ nghe và cố gắng làm theo nếu được khuyến khích. Và đơn giản, khi tiếp xúc với con, hãy cho con thấy là bạn cũng cố gắng trau dồi, tích lũy vốn từ và cố gắng nói năng chuẩn mực.

Kho sách quý giá
Sách là nguồn tài liệu quý báu để con học được thêm nhiều từ mới về các chủ đề khác nhau. Sách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lời nói và kĩ năng văn học sau này. Có vô vàn cách để sử dụng sách, tranh truyện nhằm mục đích tập trung vào ngôn ngữ. Dù cuộc sống bận rộn trăm bề, bạn hãy cố gắng dành thời gian đọc sách cùng con, bàn luận về tranh ảnh minh họa, đặt câu hỏi, nói về nhân vật, nội dung…

Quan sát, chờ đợi và lắng nghe 
Để giúp con nâng cao sự phát triển ngôn ngữ, đôi khi, bạn cần ‘lùi 1 bước’ trong quá trình chơi cùng con và để con là người lãnh đạo. Điều này không chỉ giúp con vun đắp sự tự tin mà còn giao cho trẻ nhiều cơ hội thể hiện mình. Bạn vẫn chơi cùng con, nhưng hãy để con đưa ra các hướng dẫn, các câu lệnh… Tất nhiên, trong quá trình đó, bạn có thể sẽ khôn khéo ‘chèn’ các từ ngữ, các câu hỏi để bình luận, để ‘vặn vẹo’ con. Chính bạn sẽ hiểu rõ con nhất và sẽ biết lúc nào nên quan sát, lắng nghe rồi mới thêm ngôn ngữ cần thiết vào.

Đóng vai 
Đóng vai luôn là hoạt động yêu thích của trẻ và thực sự mang lại rất nhiều lợi ích. Vì thế, nhiều trường học và giáo viên đẩy mạnh hoạt động đóng vai để giúp học sinh có thể phát triển thêm các kĩ năng giao tiếp. Khi trẻ hóa mình vào vai diễn, tình huống nào đó, trí tưởng tượng của con sẽ được khơi gợi. Bạn cũng sẽ có cơ hội lí tưởng để giới thiệu các chủ đề với nhiều từ ngữ mới. Ví dụ, khi chơi trò lính cứu hỏa, chắc chắn trong quá trình chơi, con sẽ sử dụng các từ như nước, thang, cháy, trèo, mũ, nhanh, khói, lửa, v.v.. Từ đó, vốn từ của con được mở rộng hơn nhiều.

Âm nhạc 
Tuổi thơ của mỗi trẻ sẽ gắn liền với các bài hát quen thuộc. Âm nhạc không chỉ giúp trẻ lắng nghe, thư giãn, mà còn là công cụ tuyệt vời giúp trẻ nâng cao các kĩ năng ngôn ngữ. Khuyến khích trẻ hát, nghĩ ra các hành động cho bài hát sẽ tạo ra được sự kết nối giữa từ ngữ và hành động. Với những trẻ nhanh, linh hoạt, ‘hát chế’ (trong chừng mực cho phép) cũng là một cách giúp trẻ sáng tạo và vận dụng từ linh hoạt.

Bạn thấy đấy, mỗi hoạt động hằng ngày đều có thể là cơ hội giúp trẻ luyện tập và phát triển ngôn ngữ. Khi đi tắm, khi ăn cơm, mua đồ ở siêu thị, dọn dẹp đồ chơi… trẻ đều có thể học được những từ mới, cách nói mới… Có thể trẻ sẽ không nhận ra mình đang học, đang luyện tập bởi những điều này diễn ra hằng ngày và gần như là ‘hiển nhiên’ mà.
Điều quan trọng là bạn sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin khi giao tiếp như thế nào và bạn tạo ra được nhiều cơ hội và môi trường thuận lợi cho trẻ học hỏi không?
Và khi dành thời gian với con, hãy thực sự chơi cùng, nói chuyện cùng… để có được giao tiếp hiệu quả. Cuộc sống hiện đại, bận rộn, đầy ắp công nghệ thông tin như hiện nay phần nào ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với con. Do đó, chỉ xin phép mượn một câu nói trong quảng cáo điện thoại để chốt lại ‘Đặt máy xuống để thực sự bên con!’

MM - Thành viên của Cộng Đồng Giáo Dục Cùng Nhau Chia Sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét